Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu (NK) khoảng 400 nghìn tấn hoa quả, hầu hết qua đường chính ngạch. Tuy nhiên, người tiêu dùng không khỏi “giật mình” khi nghe tin có tới 280 tấn rau, củ, quả NK từ Trung Quốc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đã được tiêu thụ tại Việt Nam.
CôngThương - Kỳ I: Những kẽ hở nguy hiểm
Giật mình với chất lượng
Theo thông báo của các cơ quan quản lý, có tới 30% mẫu táo Trung Quốc bày bán trên thị trường có chất độc hại. Các hóa chất bị phát hiện vượt ngưỡng gồm: Carbendazim, Difenoconazol, Thiophanate, Propargite, Methomyl... dùng để diệt nấm, nhện và một số loại côn trùng khác. Người sử dụng thường xuyên các chất này sẽ nguy hại cho sức khỏe, thậm chí gây vô sinh và ung thư.
Được biết, hàng ngày vẫn có hàng chục chuyến hoa quả nhập khẩu từ biên giới phía Bắc, tuy nhiên tại các chợ, cửa hàng, siêu thị tuyệt nhiên không thấy ghi xuất xứ từ Trung Quốc mà chỉ có hàng nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Australia... Giá cả cũng rất đa dạng, dao động từ 80.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại, nhưng chất lượng có bảo đảm an toàn hay không thì chịu!
Chị Nguyễn Lan - tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên - cho rằng chị rất yên tâm về chất lượng vì đã được cơ quan quản lý kiểm tra, cho nhập khẩu, vận chuyển công khai.
Còn bà Lê Thị Thu Hằng – Giám đốc một DN chuyên NK hoa quả - cho biết, lượng hoa quả nhập khẩu chính ngạch, theo đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo ATTP từ các nước châu Âu, Mỹ, châu Á... chỉ chiếm 30 - 40%. Số còn lại đều nhập qua đường tiểu ngạch hoặc nhập lậu từ Trung Quốc nên khó kiểm soát chất lượng.
Lâu nay, các nhà quản lý vẫn kêu gọi người dân hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái. Tuy nhiên, bất cập lại đang nằm ở chính những quy định, cách làm của nhà quản lý. |
Kiểm định, có cũng như không
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các DN chưa vi phạm quy định ATTP, việc kiểm tra các lô hàng chỉ áp dụng phương thức thông thường là lấy mẫu đến 10% lượng hàng và được thông quan ngay. Khi kết quả kiểm tra phát hiện vi phạm thì lô hàng tiếp theo sẽ lấy 30% mẫu hoặc 100% mẫu, nếu số mẫu này đạt yêu cầu (được cấp giấy chứng nhận) mới được thông quan.
Tuy nhiên, tại cửa khẩu Tân Thanh- Lạng Sơn, một cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 7 cho biết: Hiện nay, việc lấy mẫu hoa quả, kiểm tra kỹ lưỡng còn gặp nhiều khó khăn như thiếu trang thiết bị, chi phí vận chuyển tốn kém, vì thế việc lấy mẫu chỉ để bảo quản, hoặc đợi thêm nhiều mẫu khác mới được chuyển về Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc tại Hà Nội để kiểm tra. Nếu làm đúng theo quy trình cũng phải mất khoảng 10 ngày mới có kết quả. Trong khi, hầu hết số hoa quả nhập khẩu sẽ được “giải phóng” trong ngày và được chuyển về các chợ đầu mối tại Hà Nội, để bán cho các tiểu thương ngay trong đêm.
Như vậy, dù có chuyển về Hà Nội kiểm tra cũng chẳng để làm gì vì số hàng đã kịp phân phối hết, có chăng chỉ phục vụ công tác thống kê của cơ quan quản lý? Câu hỏi đặt ra là tại sao chưa có kết quả kiểm tra ATTP hoa quả vẫn được thông quan và ai là người phải chịu trách nhiệm?
Xem xét lại thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT, điều 14 ghi rõ trường hợp kiểm tra thông thường chỉ lấy mẫu tối đa đến 10% và “lô hàng kiểm tra được phép làm thủ tục thông quan không phải chờ kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP”.
Theo điều 17 của thông tư, thời gian từ khi lấy mẫu, gửi mẫu, kiểm nghiệm và trả lời kết quả tối đa không quá 10 ngày làm việc. Nhưng dù kiểm tra theo phương thức thông thường hay kiểm tra chặt, nếu hồ sơ và kiểm tra ngoại quan (bao gói, ghi nhãn) đạt yêu cầu, vẫn cấp giấy chứng nhận.
Nguồn: Báo Công Thương
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam