BizLIVE - Theo một nguồn tin từ Bộ Công thương ngày 27/8, các thống kê từ cơ quan tổng hợp, phân tích thông tin thương mại của bộ này cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng trên 15%.

Theo một nguồn tin từ Bộ Công thương ngày 27/8, các thống kê từ cơ quan tổng hợp, phân tích thông tin thương mại của bộ này cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục đạt tăng trưởng trên 15%. 

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng qua đạt 9,79 tỷ USD, tăng 15,95% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng lên đến 8,57 tỷ USD, tăng 16,97% so với 7 tháng/2013.

Xu hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 4 tháng cuối năm khả năng vẫn đạt cao. Bộ Công thương ước tính kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục duy trì trong khoảng 1,25-1,3 tỷ USD/tháng, đạt 5-5,2 tỷ USD. 

“Cả năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra là 15 tỷ USD”, nguồn tin trên cho biết.

Trong các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, vẫn là mặt hàng máy tính linh kiện điện tử, với kim ngạch đạt 1,26 tỷ USD trong 8 tháng năm 2014. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc vẫn giảm 15,81%. 

Đứng ở vị trí thứ hai là mặt hàng dầu thô, với kim ngạch đạt 960,55 triệu USD, tăng mạnh 85,58% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Công thương, trong 8 tháng đầu năm nay, mặt hàng gạo tiếp tục là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc, với kim ngạch đạt 721,74 triệu USD, tăng 7,46% so với 8 tháng/2013. 

Trong tháng 8 vừa qua đã có thông tin Trung Quốc chính thức cấm nhập gạo qua tiểu ngạch, điều này đã có ảnh hưởng tuy nhiên không nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu gạo của nước sang thị trường này. 

Phía Trung Quốc ban hành lệnh cấm do sự sụt giảm nhu cầu gạo thơm – loại gạo mà đa số các thương lái Trung Quốc mua qua đường tiểu ngạch. Việc Trung Quốc cấm xuất nhập khẩu  gạo qua các cửa khẩu phụ, lối mở hay còn gọi là xuất nhập khẩu  tiểu ngạch… nhằm thắt chặt kiểm tra thu thuế đối với các nhà xuất nhập khẩu gạo của Trung Quốc. 

Theo các chuyên gia kinh tế thì việc cấm xuất nhập khẩu này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam, vì thị trường xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam khá rộng. Nhu cầu của các nước khác như Malaysia, Indonesia và Philippines, vẫn khá cao, và Việt Nam không phụ thuộc vào việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. 

Thế nhưng, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam (32%). Theo thống kê thực tế, 7 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,62 triệu tấn, giảm 12% so với 4,1 triệu tấn cùng kỳ năm 2013.

Đáng chú ý, xuất khẩu cao su trong 8 tháng năm 2014 đã giảm mạnh 41,14% so với 8 tháng năm 2013, xuống mức 367,05 triệu USD. 

Thị trường xuất nhập khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên giữa các doanh nghiệp, thương gia Việt Nam và Trung Quốc ở các cửa khẩu phía Bắc đã lại “đóng băng” trong trung tuần tháng 8. 

Dù giá đã giảm xuống 10.700 NDT/tấn đối với sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế đóng bánh mã hiệu SVR 3L của các công ty, đơn vị quốc doanh và 10.600 NDT/tấn đối với sản phẩm cùng mã hiệu xếp chất lượng 2 của hợp tác xã và tư thương, nhưng phía đối tác Trung Quốc đã ngừng giao dịch.

Trong bối cảnh xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đang gặp phải khó khăn như hiện nay, Bộ Công thương khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam nên có các phương án như đa dạng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường tiềm năng như: Malaysia, Ấn Độ, EU và Mỹ…

Ngoài ra, các sản phẩm nông sản khác như nhân điều, lạc nhân, đỗ xanh, vừng, hạt sen… sản lượng tham gia giao dịch cũng tăng mạnh trong tháng 8, do các đối tác Trung Quốc đang tập trung nhập khẩu nguồn hàng để sản xuất bánh, kẹo phục vụ Tết Trung thu Giáp Ngọ. 

Qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, nhân điều xuất khẩu ở mức 400 tấn/tuần lễ, giá đạt 37.880 NDT/tấn (tương đương 6.100 NDT/tấn), tăng hơn 10% so với giá giao dịch trong quý 2/2014. Lạc nhân xuất khẩu mỗi tuần 1.200 tấn, giá 16.860 NDT/tấn, tăng 3,5% so với tháng 7. 

Các loại hạt khác xuất khẩu 800 tấn/tuần lễ, cao hơn giá tiêu thụ nội địa 18%. Tính chung trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt 184,95 triệu USD, tăng 5,27% so với 8 tháng/2013; hàng rau quả cũng tăng 50,91% lên 295,85 triệu USD…

Như vậy, mặc dù trong thời gian tới, nếu có khó khăn trong quan hệ thương mại do dư địa và những biến động khó lường về kinh tế và chính trị, thì mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không lớn. 

Nhìn từ góc độ tích cực, thì đây lại là cơ hội giúp Việt Nam tái cấu trúc thị trường và mặt hàng xuất khẩu theo hướng có lợi.

Nguồn: Biz Live