Một cuộc bàn thảo được Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức mới đây tại Hà Nội, đã cập nhật những vấn đề mới nhất về lộ trình hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ nay đến năm 2015 và sau 2015.

Theo GS. Hidetoshi Nishimura - Giám đốc điều hành ERIA: ASEAN đang ở giai đoạn hết sức quan trọng khi đứng trước mục tiêu hình thành AEC vào năm 2015 và kế hoạch hành động cho những năm sau. Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực, vị trí địa lý… do vậy, cần hội nhập sâu rộng vào AEC và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), biến nó thành động lực chính để phát triển kinh tế.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng cho biết, kế hoạch của ASEAN về chặng đường từ nay đến năm 2015 và các năm sau là tiếp tục loại bỏ hàng rào thuế quan, cải cách để ASEAN trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn, giảm khoảng cách giữa hai khối ASEAN-4 và ASEAN-6. Sau năm 2015, ASEAN hướng đến một nền kinh tế tốt nhất về mặt pháp lý, thể chế, phản ứng nhanh, đối phó tốt với các vấn đề trong khu vực, cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Theo đó, RCEP sẽ được ưu tiên thực thi sau thời điểm 2015, hướng tới một cộng đồng kinh tế rộng hơn. Việc này đòi hỏi các nước có kế hoạch tăng cường chuỗi cung ứng, chuẩn bị hạ tầng giao thông và tối ưu hóa hải quan điện tử...

Ông Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương:

Bộ Chính trị mới thông qua một nghị quyết quan trọng về cải thiện hạ tầng, công nghệ thông tin, giao thông thông minh nhằm tạo ra bước ngoặt quan trọng trong thời gian tới về thuận lợi hóa thương mại.

Ông Nguyễn Văn Thạch - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) - cho biết, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống giao thông đường bộ khá hoàn chỉnh, thuận tiện cho thông thương cả trong nước và khu vực. Điển hình là tuyến cao tốc từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh dài gần 2.000km; tuyến Hà Nội- Lào Cai sẽ hoàn thành cuối năm nay và tuyến Hà Nội-Hải Phòng hoàn thành vào năm 2015. Việt Nam hiện có 26 cảng biển và 9 sân bay quốc tế.

Trong khu vực, Việt Nam đã tham gia mạng lưới ASEAN xuyên châu Á, trong đó quan trọng nhất là tuyến AF1 chạy qua TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội và Lạng Sơn. Trong vùng Mê Kong, có tuyến hành lang phía Nam, từ TP. Hồ Chí Minh- Vũng Tàu, qua Phnompenh đến Bangkok; tuyến hành lang Đông Tây từ cảng Đà Nẵng qua Đông Hà, đường 9, qua Savanakhet, đi Thái Lan; tuyến cuối cùng là Hải Phòng đi Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh. Ngoài ra, với Trung Quốc có đường vành đai, với Lào có quy hoạch tuyến Việt Nam- Siem reap. Dọc theo các tuyến nói trên đều có quy hoạch hải cảng để phát triển logistic, thuận lợi thương mại.

Về các hợp tác “mềm”, Chính phủ Việt Nam cũng đã ký những thỏa thuận về thuận lợi hóa GTVT với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đây cũng là 3 nước có các tuyến giao thông thông thương thuận lợi nhất với Việt Nam để đi các nước lân cận khác.

“Tuy nhiên logistic Việt Nam còn nhiều hạn chế, chi phí cao, ảnh hưởng tới xuất khẩu”- ông Đỗ Xuân Quang- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam thừa nhận. Đại diện Công ty Vận tải Logistic Nippon (Nhật Bản) cũng than phiền về tình trạng tắc nghẽn tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hơn nữa, đường bộ của Việt Nam và nhiều nước ASEAN khác là đường dùng chung cho cả công nghiệp và dân sinh nên dễ ách tắc.

Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Ngọc Hà cũng bày tỏ về tình trạng tăng chi phí đường bộ, hoặc việc các tuyến đường hay sửa chữa, làm chậm tiến độ giao hàng.

Dù vẫn còn đâu đó những băn khoăn nhưng về cơ bản hạ tầng của Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn từ nay đến cuối năm 2015, khi mà hàng loạt các công trình trọng điểm sẽ hoàn tất.

Nguồn: Báo Công Thương