Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Vương quốc Arập Xêút, từ 10-12/4, nhiều hiệp định, nghị định được ký kết, tạo cơ sở pháp lý giúp mở rộng thương mại, đầu tư hai chiều.

Mở ra cơ hội mới
 
Arập Xêút là nước có nền kinh tế lớn nhất khối GCC (Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh). Với dự trữ dầu thô chiếm 25%, Arập Xêút trở thành quốc gia xuất khẩu (XK) dầu thô lớn nhất thế giới, đứng đầu OPEC. Nhưng Arập Xêút cũng phải nhập khẩu (NK) hầu hết các loại hàng hoá, từ máy móc thiết bị, phương tiện vận tải... đến lương thực thực phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước.
 
Chính phủ Arập Xêút đang thực hiện cải cách kinh tế sâu rộng, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế quốc dân. Cùng với những hiệp định đã có, các bộ trưởng Arập Xêút đề nghị Chính phủ hai nước sớm ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hai nước. Các Bộ trưởng Tài chính, Công Thương Arập Xêút còn cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần tăng cường trao đổi, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, tìm kiếm cơ hội hợp tác của nhau. Bộ trưởng Nông nghiệp Fahad Bin Abdulrahman Balgonaim cho biết, “hiện, có nhiều doanh nghiệp của Arập Xêút mong muốn đầu tư vào VN. Bộ Nông nghiệp Arập Xêút đang xây dựng các dự án liên doanh với VN trong lĩnh vực nông nghiệp”. Trong năm nay ông sẽ dẫn một đoàn chuyên gia nông nghiệp sang tìm hiểu kinh nghiệm, cũng như cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại VN.
 
Bài học từ giảm thị phần
 
Những năm gần đây, trao đổi buôn bán song phương Arập Xêút - VN tăng nhanh, đạt hơn 100 triệu USD/năm. Theo Vụ châu Phi – Tây Á – Nam Á (Bộ Công Thương), hàng năm Arập Xêút NK số lượng lớn các mặt hàng VN có thế mạnh như dệt may (28 triệu USD), hải sản (24 triệu USD), than đá (7 triệu USD… Ngược lại, VN cũng NK chất dẻo nguyên liệu (118 triệu USD), hoá chất (2,8 triệu USD), ôtô (4,5 triệu USD)...quốc gia này. Năm 2009, dù bị tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, kim ngạch thương mại hai chiều VN - Arập Xêút vẫn đạt hơn 460 triệu USD. Nhưng các doanh nghiệp Arập Xêút biết rất ít thông tin về thị trường và doanh nghiệp VN và ngược lại.
 
Thị trường Arập Xêút có tính cạnh tranh cao, hoạt động thương mại dựa trên cơ sở chất lượng và chi phí. Thời điểm năm 2008, Arập Xê út được coi là thị trường tiềm năng cho hàng hoá XK của VN. Chỉ 8 tháng đầu năm, kim ngạch XK sang Arập Xê út đạt 89,5 triệu USD, tăng 166,3% so với cùng kỳ năm 2007. Nhiều mặt hàng có mức tăng cao đột biến, thuỷ sản tăng 68 lần, đạt 17 triệu USD. Vào thời điểm này, các sản phẩm thuỷ sản VN, đặc biệt là cá tra, basa fillet của VN được người dân ở đây đánh giá cao. Nhưng XK cá tra sang thị trường này chỉ duy trì được sức tăng đến hết quý I/2009 rồi sau đó sụt giảm nhanh chóng. Lượng XK cá tra sang thị trường Arập-xêút đến tháng 7/2009 chỉ còn 908 tấn, giảm gần 58% so với tháng 6, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm 2008.
 
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, thị phần thủy sản VN vào thị trường này sụt giảm là do tác động của chiến dịch truyền thông đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng bản địa vốn đã không có đủ thông tin. Những thông tin sai sự thật về sản xuất cá tra, basa của VN đã tác động đến nhận thức không ít người dân, khiến sức mua giảm rõ rệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh một sản phẩm chất lượng, đầy tính cạnh tranh của VN.
 
Trong nhiều việc cần làm để thúc đẩy tình hình XK vào các thị trường, trong đó có Arập Xê út, theo Vasep, các DN cần chủ động trong việc đưa thông tin về sản xuất an toàn các sản phẩm thuỷ sản của VN. Đây là một trong những ưu tiên giúp người tiêu dùng các nước có cái nhìn và nhận thức đúng đắn về các sản phẩm của VN.
 
Arập Xêút là thị trường lớn có nhiều tiềm năng. Song theo các nhà nghiên cứu thị trường, các DN cần lưu ý chính sách thương mại của nuớc này. Arập Xêút thực hiện chính sách tự do thương mại dựa trên cơ sở cạnh tranh, không kiểm soát ngoại hối, hạn chế số lượng hay dựng rào cản về thuế. Việc tăng NK hàng hoá của bất cứ nước nào đều phụ thuộc vào các yếu tố như giá cả cạnh tranh, chất lượng hàng hoá và giao hàng đúng thời hạn. Tất nhiên, hàng hoá NK vào thị trường này phải tuân thủ các quy định và chịu sự kiểm tra của Tổ chức Tiêu chuẩn của Arập Xêút, đảm bảo sự tuân thủ các yêu cầu về tôn giáo của đạo Hồi và các tiêu chuẩn hoá về mặt thương mại.

Theo Nghị định Hoàng gia Arập Xêút số M/13 ngày 30/12/1987 và lệnh số 86 ngày 19/12/1987 của Hội đồng Bộ trưởng, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng cơ bản như đường ăn, gạo, chè, cà phê chưa rang, bột gia vị, lúa mạch, ngô, gia cầm và thịt (tươi và đông lạnh) đều được miễn thuế. Hàng nhập khẩu từ các quốc gia Arập mà Arập Xêút đã ký hiệp định thương mại song phương được tiếp tục giảm thuế.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập, Hiệp định về hợp tác nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, Nghị định thư hợp tác dầu khí và khoáng sản. Quốc vương Arập Xêút-Ápđula khẳng định: “Trong chính sách hướng Đông của mình, Arập Xêút coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam (VN) như một ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á”.

Nguồn: Báo Điện tử Công Thương