Cuối tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã bước vào các cuộc đàm phán thực sự với EU về tự do mậu dịch song phương FTA. Ông Antonio Berenguer, tham tán thương mại của phái đoàn EU tại Hà Nội cho biết thương mại song phương trong các năm qua phát triển rất tốt.

Nhiều năm liền EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chỉ khoảng 2 hay 3 năm gần đây Mỹ mới vượt EU để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay khoảng 20% hàng xuất khẩu vào EU đến từ Việt Nam. Năm ngoái trị giá hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 9,3 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng như giày, may mặc, đồ nội thất, hàng thủy sản, hồ tiêu. Thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 10%/năm.
 
Năm 2009, do khủng hoảng kinh tế xuất khẩu của Việt Nam vào EU giảm khoảng 9%. Nhưng nhìn chung thương mại hai chiều vẫn rất tốt. Việt Nam luôn xuất siêu vào EU. EU cũng cho Việt Nam hưởng cơ chế thuế quan phổ cập để hàng hóa Việt Nam nhập vào EU có được mức thuế thấp hơn so với một số nước khác. EU đang chuẩn bị FTA với Việt Nam để mức thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ còn giảm hơn nữa. Và như thế là sẽ có lợi hơn cho Việt Nam và thương mại với Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn nữa bởi vì thuế sẽ rẻ hơn cho hàng hóa Việt Nam.
 
Việt Nam đang muốn được EU công nhận có nền kinh tế thị trường và FTA có thể là một cách giúp Việt Nam. Nhưng cần nói rõ FTA và cơ chế kinh tế thị trường là hai phần khác nhau. Để được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần phải hội đủ 5 tiêu chí: mức độ ảnh hưởng của nhà nước đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp; không có hiện tượng nhà nước bóp méo hoạt động của các doanh nghiệp liên quan tới cổ phần hóa và không có việc sử dụng các hệ thống đền bù hay thương mại phi thị trường; sự tồn tại của một hệ thống quản trị doanh nghiệp thích hợp; sự tôn trọng các luật sở hữu trí tuệ; sự tồn tại của một khu vực tài chính đích thực hoạt động độc lập với nhà nước và chịu sự điều chỉnh của các quy định bảo lãnh đầy đủ và sự giám sát thích đáng.
 
Hiện Việt Nam đã đạt được tiêu chí thứ nhất và gần đạt được tiêu chí thứ hai. Những tiêu chí này phản ánh những thay đổi căn bản trong nền kinh tế. Không có mối liên kết chính thức giữa FTA và cơ chế kinh tế thị trường.

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng, phần lớn những cái gọi là FTA trên thực thế đều là những Hiệp định Thương mại Ưu đãi (PTA) vì chúng trao những ưu đãi về thuế quan cho các nước tham gia và loại trừ những nước khác. Có những cái giá tiềm tàng đi kèm với việc làm trệch hướng thương mại sang những nước có các dàn xếp về thuế quan ưu đãi từ những nước không tham gia. Hơn nữa, Việt Nam đang ở trong những giai đoạn lắp ráp và chế tạo linh kiện đơn giản của các mạng lưới sản xuất Đông Á. Những dàn xếp về thuế quan đó có thể gây bất lợi, vì thông thường không thể xác định rõ trong những mạng lưới xem một sản phẩm hoặc một linh kiện được sản xuất ở đâu

Tuy nhiên, FTA là một thỏa thuận có nhiều tham vọng, có nghĩa là nó đòi hỏi phải có những thay đổi lớn và mạnh mẽ trong cách mà nền kinh tế được vận hành. Và đó cũng là điều mà ông Karel De Gucht Ủy viên thương mại châu Âu đã nói tới khi đến thăm Việt Nam cho biết Liên minh châu Âu (EU) muốn bắt đầu đàm phán với Việt Nam về thỏa thuận tự do mậu dịch song phương (FTA). Thỏa thuận sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng được EU công nhận là nước có nền kinh tế thị trường hoàn toàn, cơ chế mà cho đến giờ Việt Nam chỉ được EU công nhận một cách tạm thời.
 
Vì vậy, nếu một nước có thể đạt được FTA với EU, họ cũng sẵn sàng cải tổ nền kinh tế đến mức đạt được cơ chế nền kinh tế thị trường hoặc gần mức đó. FTA và cơ chế kinh tế thị trường tuy không cùng một đường nhưng lại nhằm vào cùng một điểm bởi vì FTA đòi hỏi một mức độ thay đổi trong nền kinh tế trong các lĩnh vực như lao động, sở hữu trí tuệ. Do đó có mối liên hệ giữa hai quá trình này. Việt Nam mong muốn có cơ chế kinh tế thị trường bởi vì nếu không có cơ chế này Việt Nam dễ bị kiện chống bán phá giá.Vì thế Việt Nam cảm thấy nếu Việt Nam vào WTO, có FTA song phương nhưng vẫn bị kiện chống bán phá giá thì không tốt. Việt Nam cho rằng nếu được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường thì sẽ khó bị kiện hơn. Và cũng đúng là ngay kể cả khi Việt Nam có FTA thì việc bị đánh thuế chống bán phá giá sẽ vẫn có thể xảy ra, trừ khi có cơ chế kinh tế thị trường thì sẽ khó bị đánh thuế chống bán phá giá hơn.
 
Việt Nam và EU đã đồng ý tiến hành đàm phán FTA, nhưng EU phải thông báo tới Hội đồng các bộ trưởng, cơ quan đại diện cho các nước thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu về mục tiêu và kế hoạch đàm phán để có được sự chấp thuận. Vì thế cần ít nhất vài tháng. Phía Việt Nam cũng cần một thời gian để chuẩn bị các thủ tục.

Các bên cần khoảng 3 đến 4 tháng để chuẩn bị. Sau đó hai bên có thể sẵn sàng để đàm phán. Thời gian càng sớm càng tốt bởi vì hiện Việt Nam đã có FTA với Nhật Bản, Ấn Độ, các nước ASEAN, Ôxtrâylia, Niu Dilân. Mỗi ngày qua đi thì càng khó hơn cho EU bởi vì EU không được các quyền lợi như các nước khác. EU muốn các công ty EU cũng được hưởng lợi công bằng như các công ty từ Nhật Bản, hay Hàn Quốc. Có lẽ 1 năm là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng không loại trừ khả năng lâu hơn vì Việt Nam cũng rất “cứng rắn” trong một vài vấn đề.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam