TPP - Đừng để vẫn mãi là cơ hội!
17/02/2014 16Các doanh nghiệp không nên trông chờ vào TPP như là một cơ hội bởi đó sẽ mãi chỉ là cơ hội nếu doanh nghiệp không thay đổi tư duy và chớp thời cơ từ cơ hội đó.
Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế khi bàn về hành trang của doanh nghiệp Việt Nam khi chuẩn bị bước vào “sân chơi” TPP
Năng lực cạnh tranh thấp
Thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành hàng và của doanh nghiệp cuối cùng là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đều đang ở mức thấp.
Về vấn đề này, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI đã chia sẻ: Trong thị trường, giá cũng là điều quan trọng, tuy nhiên, đi kèm với đó là chất lượng, thương hiệu. Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập ở mức độ sâu rộng thì vấn đề về chất lượng là vấn đề hàng đầu.
“Giá là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là cái duy nhất” – Ông Huỳnh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiêm, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các DN vẫn chưa có tầm nhìn chiến lược để tăng tính cạnh tranh.
Ngoài ra, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là thách thức. Vấn đề này tồn tại chủ yếu ở các mặt hàng nông nghiệp. Ví dụ như khi xuất khẩu tôm thì dư lượng kháng sinh trong tôm rất lớn, hoặc đối với lúa gạo, thì lại có tỉ lệ thuốc bảo vệ thực vật cao.
Đáng quan ngại hơn là về nguyên liệu đầu vào. Cả một thời kỳ phát triển, chúng ta làm không cân đối chuyện này khi phần lớn nguyên liệu đầu vào lại đang nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Nếu không tạo ra được một cơ sở đầu vào mới, hoặc là chính mình tạo ra nguyên liệu, thì chúng ta không được hương lợi từ TPP.
Thay đổi tư duy là cần thiết
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, nếu chúng ta đã quyết tâm thì phải thay đổi tư duy về mặt quản lý và trong tư duy quản lý chúng ta không thể phụ thuộc vào một quốc gia nào.
Tuy nhiên, để làm được điều này không phải dễ, các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện rất nhiều, đặc biệt là vấn đề quản trị doanh nghiệp, về chiến lược phát triển.
Ông Trần Hữu Huỳnh cảnh báo: "Doanh nghiệp, không nên coi TPP như là một cơ hội bởi cơ hội mãi mãi là cơ hội nếu như mình không thay đổi. Cơ hội chỉ trở thành hiện thực nếu doanh nghiệp thực sự thay đổi để chớp lấy cơ hội đấy. Gia nhập Asean, vào WTO đã cho thấy bài học cay đắng: Nhiều cơ hội đã đi qua trên đầu các doanh nghiệp mà họ không tận dụng được”.
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam