Ngày 03 tháng 12 năm 2013, Trung Quốc đã gửi tới WTO yêu cầu tham vấn của mình đối với Hoa Kỳ liên quan đến một số phương pháp được Hoa Kỳ áp dụng trong các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc (vụ việc DS471).

Trong yêu cầu tham vấn của mình, Trung Quốc cáo buộc rằng một số biện pháp chống bán phá giá mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sử dụng là vi phạm các quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO, bao gồm phương pháp phá giá mục tiêu (targeted dumping) trong các cuộc điều tra ban đầu và các đợt rà soát hành chính; giả định rằng tất  cả các nhà sản xuất và xuất khẩu từ những nước mà Hoa Kỳ coi là có nền kinh tế phi thị trường (NME) cấu thành một thực thể (single entity); cách tính toán một biên độ phá giá chung cho thực thể đó (NME-wide methodology); và việc sử dụng các thông tin sẵn có bất lợi cho một bên khi DOC cho rằng bên đó không hợp tác.

Cụ thể, các nội dung Trung Quốc yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ như sau:

Việc áp dụng biện pháp phá giá mục tiêu trong các cuộc điều tra ban đầu và rà soát hành chính hàng năm

Phá giá mục tiêu xuất hiện khi một nhà xuất khẩu bán một sản phẩm thấp hơn giá trị thông thường và giới hạn trong một số giao dịch ví dụ trong một khoảng thời gian nhất định, cho một số đối tượng khách hàng nhất định hoặc trong một khu vực địa lý nhất định một cách có quy luật. Khi phát hiện có hiện tượng phá giá mục tiêu, DOC sẽ áp dụng phương pháp so sánh bình quân gia quyền của giá trị thông thường với giá xuất khẩu của từng giao dịch (phương pháp W-T)  để tính toán biên độ phá giá của sản phẩm vì DOC cho rằng việc sử dụng phương pháp so sánh bình quân gia quyền của giá trị thông thường và bình quân gia quyền của giá xuất khẩu (phương pháp W-W) sẽ không phản ánh chính xác quy luật định giá tương ứng của doanh nghiệp..

 Phương pháp W-T là phương pháp mà theo đó DOC tiến hành so sánh giá bình quân gia quyền tại thị trường nội địa (giá trị thông thường) với giá xuất khẩu sản phẩm đó sang Hoa Kỳ trong từng giao dịch cụ thể, nếu giá xuất khẩu < bình quân gia quyền của giá trị thông thường tức là có hiện tượng bán phá giá đối với giao dịch đó. Sau đó, DOC sẽ tổng hợp tất cả các so sánh này để tính toán biên độ phá giá chung cho sản phẩm, nhưng trong quá trình tổng hợp này, đối với những so sánh có giá trị âm (giá xuất khẩu > giá thị trường nội địa bình quân), DOC lại quy tất cả các so sánh này về bằng không (phương pháp zeroing). Phương pháp này đã làm tăng biên độ phá giá lên đáng kể, và gây bất lợi cho các nhà sản xuất xuất khẩu bị điều tra.

Trung Quốc cho rằng việc áp dụng phương pháp phá giá mục tiêu này là vi phạm Điều 2.4.2 Hiệp định Chống bán phá giá, do: (1) các bước mà Hoa Kỳ tiến hành để xác định phá giá mục tiêu là không thích hợp để có thể xác định quy luật (pattern) của giá xuất khẩu; (2) Hoa Kỳ đã không đưa ra được lời giải thích hợp lý, đầy đủ là tại sao không áp dụng phương pháp bình quân gia quyền – bình quân gia quyền (W-W) hay giao dịch-giao dịch; và (3) Hoa Kỳ sử dụng phương pháp zeroing khi tổng hợp kết quả của từng so sánh W-T  đối với các giao dịch xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho rằng việc Hoa Kỳ áp dụng phương pháp phá giá mục tiêu trong các cuộc rà soát hành chính là vi phạm Điều 9.3 Hiệp định Chống bán phá giá và Điều VI Hiệp định GATT 1994 vì Hoa Kỳ không thể đảm bảo được rằng mức thuế áp dụng không vượt quá biên độ phá giá.

Phương pháp mà Hoa Kỳ áp dụng đối với nền kinh tế phi thị trường

Trong một vụ việc chống bán phá giá liên quan đến những nước mà Hoa Kỳ cho là có nền kinh tế phi thị trường (NME), Hoa Kỳ giả định rằng tất cả các nhà sản xuất và xuất khẩu cấu thành một thực thể dưới sự kiểm soát của chính phủ, theo đó một biên độ phá giá chung được xác định. Bị đơn phải có nghĩa vụ phản bác giả định này và họ chỉ có thể làm như vậy bằng cách cung cấp bằng chứng đầy đủ về việc họ không bị kiểm soát bởi chính phủ, cả về mặt quy định pháp luật và trên thực tế, đối với hoạt động xuất khẩu của họ.Trung Quốc quan ngại rằng việc giả định này vi phạm quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (Điều 6.10, 9.2 và 9.4) , do: (1) Hoa Kỳ không xác định biên độ phá giá riêng cho từng nhà sản xuất, xuất khẩu đã biết hoặc từng nhà sản xuất, xuất khẩu mà Hoa Kỳ giới hạn điều tra; (2) thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ thu trong từng vụ việc là không thích hợp và Hoa Kỳ không nêu tên nhà cung cấp của sản phẩm bị điều tra; (3) mức thuế suất toàn quốc mà Hoa Kỳ áp dụng cho các nhà sản xuất xuất khẩu không bị điều tra cao hơn so với bình quân gia quyền mức thuế suất áp cho các bị đơn bắt buộc (đã loại trừ những mức thuế bằng 0, không đáng kể và mức thuế dựa trên thông tin sẵn có bất lợi).

Hơn thế nữa, trong quá trình Hoa Kỳ tính toán biên độ phá giá chung (mức thuế suất toàn quốc cho NME), Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đã áp dụng một số phương pháp không phù hợp và vi phạm Hiệp định Chống bán phá giá. Cụ thể:

-          Hoa Kỳ đã không yêu cầu các nhà sản xuất xuất khẩu cung cấp những thông tin cần thiết để xác định biên độ phá giá cho tất cả những nhà sản xuất/xuất khẩu chịu mức thuế suất toàn quốc,

-          Hoa Kỳ không cho họ cơ hội để cung cấp các bản đệ trình (bằng miệng hay bằng văn bản) nhằm cho phép DOC có thể thiết lập một biên độ phá giá mà không phải sử dụng thông tin thứ cấp (không cho cơ hội có quyền kháng kiện);

-          Hoa Kỳ không chỉ rõ chi tiết các thông tin mà các bên liên quan  cần cung cấp; và, cũng không yêu cầu các bên này cung cấp các thông tin cần thiết để xác định biên độ phá giá, thay vào đó Hoa Kỳ dựa vào những thông tin có sẵn.

-          Khi một hoặc một số nhà sản xuất xuất khẩu không cung cấp các thông tin được yêu cầu, biên độ phá giá được DOC tính toán dựa trên những thông tin có sẵn. Hoa Kỳ đã không đánh giá một cách chính xác và khách quan khi kết luận rằng các nhà sản xuất xuất khẩu chịu thuế suất toàn quốc không hợp tác trong việc cung cấp thông tin cần thiết để xác định biên độ phá giá; Hoa Kỳ đã không sử dụng những thông tin sẵn có tốt nhất, và không thận trọng khi sử dụng nguồn thông tin thứ cấp để đưa ra kết luận.

-          Do các doanh nghiệp chịu mức thuế suất toàn quốc không được điều tra riêng rẽ nên mức thuế suất đối với các doanh nghiệp này cao hơn mức thuế suất bình quân gia quyền của các bị đơn bắt buộc (mức thuế suất dành cho các doanh nghiệp khác- all others rate)

Trong phần phụ lục của bản yêu cầu tham vấn này, Trung Quốc cũng đã dẫn chiếu ra khoảng 17 vụ kiện chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Trung Quốc mà Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp phá giá không thích hợp.

Đây là vụ kiện thứ 8 của Trung Quốc đối với các biện pháp phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ áp dụng (và là vụ thứ 4 mà Hoa Kỳ bị các nước khác kháng kiện lên WTO trong năm nay).

Việt Nam hiện cũng đang bị Hoa Kỳ coi là nước có nền kinh tế phi thị trường do đó những vấn đề nêu trong vụ việc này có liên quan đáng kể tới các vụ việc phòng vệ thương mại mà sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị Hoa Kỳ điều tra, áp thuế.

Nguồn: Cục quản lý cạnh tranh