Đón đầu TPP, Vinatex tăng đầu tư cho dệt, sợi
09/01/2014 52(TBKTSG Online) - Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đang tăng cường đầu tư các dự án sợi, dệt nhằm đón đầu cơ hội xuất khẩu khi Việt Nam hoàn tất những thỏa thuận thương mại mới trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thông tin này được ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex, cho biết tại buổi công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013 và kế hoạch năm 2014 của Vinatex với báo giới vào ngày 8-1.
Theo ông Trường, tập đoàn và các công ty thành viên đang tăng cường đầu tư một loạt dự án sản xuất nguyên phụ liệu nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu.
Cụ thể trong năm qua, Vinatex đã triển khai được 42 dự án với tổng mức đầu tư 6.360 tỉ đồng; trong đó phần lớn vốn tập trung cho các dự án sợi và dệt (12 dự án sợi, 9 dự án dệt), và 17 dự án may và 4 dự án khác (hạ tầng, siêu thị, trường, chương trình cây bông) chiếm tỷ lệ vốn ít hơn. Trong đó, đáng chú ý là tập đoàn đã khởi công dự án nhà máy sợi Phú Hưng tại Huế với quy mô 21 vạn cọc sợi. Đây là dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch đầu tư các nhà máy sợi, mục tiêu đến năm 2017 đạt khoảng 25 vạn cọc sợi của Tập đoàn.
Theo ông Trường, tiếp tục cho mục tiêu hội nhập, trong năm nay Vinatex sẽ đầu tư thêm khoảng 5.000 tỉ đồng cho các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, trong đó chú ý phát triển các dự án sợi, dệt nhằm gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, đáp ứng xu thế hội nhập, nhất là cơ hội xuất khẩu mặt hàng may mặc tăng cao khi thỏa thuận về TPP hoàn tất.
Ông Trường cho rằng, sở dĩ TPP quan trọng với ngành dệt may, bởi trong 12 quốc gia tham gia TPP gồm cả Việt Nam, có tới 2 thị trường lớn của ngành dệt may là Mỹ và Nhật: 43% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ, 12% vào Nhật và 4% vào các nước TPP còn lại. Như vậy, có tới 60% kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam được xuất khẩu vào các nước trong khối TPP.
Doanh thu năm 2013 của Vinatex ước đạt 45.593 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2012; trong đó doanh thu nội địa ước đạt 22,5 ngàn tỉ đồng, tăng 15% so với năm trước đó. |
Theo ông Trường, mục tiêu cuối cùng của việc tăng tốc đầu tư là nhằm hình thành và nâng cao chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn, khép kín quy trình sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may, chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm). Đây là những hình thức sản xuất phù hợp với những quy tắc xuất xứ mang tính phổ biến trong các hiệp định trên thế giới, với xu thế khuyến khích tỷ trọng nguyên liệu trong nội khối, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Ông Trường cho rằng, việc tăng cường đầu tư trong thời gian qua đã giúp gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm của các công ty thành viên, giảm đáng kể tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu ở nước ngoài.
Cụ thể trong kim ngạch xuất khẩu 2,9 tỉ đô la Mỹ của Vinatex năm ngoái, tăng 12% so với năm 2012, nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, tập đoàn đã đạt khoảng 1,7 tỉ đô la Mỹ thặng dư từ làm hàng xuất khẩu, cao hơn hẳn tỷ lệ chung trong toàn ngành.
Theo ông Trường, năm 2013 là thắng lợi của ngành dệt may cả nước, chứ không chỉ riêng Vinatex. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm qua đạt hơn 20,36 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,1% so với năm 2012. Đây cũng là lần đầu tiên ngành dệt may trong nước đạt kim ngạch xuất khẩu cán mốc 20 tỉ đô la Mỹ, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Theo ông Trường, trong các dự báo về kinh tế năm 2014 của các tổ chức lớn, uy tín trên thế giới thì năm nay tổng thể kinh tế thế giới sẽ sáng hơn nhất là ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam. Điều này đem lại hy vọng, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao. Riêng Vinatex đặt mục tiêu kế hoạch năm 2014 với doanh thu tăng trưởng 12% và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 12%.
Theo ông Trường, trong năm 2013 xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam tăng cao so với mức tăng trưởng chung của ngành này trên thế giới. Cụ thể thị trường dệt may thế giới năm qua tăng trưởng nhưng chỉ là tăng trưởng với con số nhỏ như nhập khẩu dệt may vào Mỹ tăng 3,6% so với năm 2012, EU tăng 0,52%, Hàn Quốc tăng 9%, Nhật giảm 0,54%... Thế nhưng, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm qua ước đạt là 20,364 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,1% so với 17,2 tỉ đô la Mỹ của năm 2012. Trong đó, lượng xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất, đạt 8,55 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,2% so với năm 2012; thị trường EU đạt 2,690 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,8%; Nhật Bản đạt 2,41 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 20,5%. Riêng thị trường Hàn Quốc theo ông Trường có mức tăng rất cao 43,5%, đạt 1,87 tỉ đô la Mỹ và chiếm 8,4% tỷ trọng. Ngoài những thị trường chủ lực nói trên, ông Trường cho biết xuất khẩu dệt may Việt Nam cũng tăng cao ở những thị trường khác với mức tăng chung là 16,6% đạt 4,28 tỉ đô la Mỹ. |
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam