Khi con tôm vẫn chưa hết lao đao thì túi nhựa PE Việt Nam lại tiếp tục vấp phải những rào cản từ vụ kiện bảo hộ thương mại của các công ty Mỹ. Quyết định mới đây của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp từ 52,30 - 76,11% đối với sản phẩm túi nhựa PE nhập từ Việt Nam một lần nữa cho thấy phía Mỹ luôn có thái độ thiếu công bằng đối với một số mặt hàng từ Việt Nam.

Lý lẽ của kẻ mạnh

Vụ việc chính thức khơi mào từ ngày 21/4/2009, thời điểm DOC bắt đầu tiến hành điều tra sau khi nhận được đơn của hai nhà sản xuất túi nhựa Hilex Poly Co. và Superbag Corporation kiện phía Việt Nam và một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã bán sản phẩm với giá thấp hơn mức "giá thông thường" tại thị trường Mỹ, gây thiệt hại cho sản xuất và kinh doanh của họ. Lý lẽ điều tra của DOC dựa trên bằng chứng là các thống kê về số lượng và kim ngạch xuất khẩu túi nhựa qua ba năm, từ 2006-2008, mà DOC cho rằng có sự gia tăng đột biến, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

DOC cho rằng các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam bán túi nhựa PE với giá thấp hơn giá trị thông thường tại Mỹ từ 52,30% đến 76,11% đồng  xác định rằng các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam đã nhận được khoản trợ cấp từ chính phủ với mức trợ cấp từ dưới 1% cho đến 52,56%.

Theo thông báo của DOC, 16 nhà sản xuất và xuất khẩu túi nhựa PE Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế suất riêng biệt là 52,30%. Tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Việt Nam đều phải nhận mức thuế suất 76,11%, kể cả các bị đơn bắt buộc là Advance Polybag Co., Ltd. và Fotai Vietnam Enterprise Corporation.

Sẽ tạo tiền lệ xấu

Trước một loạt những cáo buộc từ phía Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh khẳng định, quyết định của DOC sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, khuyến khích các ngành sản xuất nội địa của Mỹ khởi kiện chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã phải chịu nhiều bất lợi, thậm chí bị phân biệt đối xử trong các vụ kiện bảo hộ thương mại tại Mỹ.

Thực tế, không hề có chuyện Chính phủ Việt Nam có các chương trình trợ cấp riêng biệt dành cho ngành nhựa như các nguyên đơn nêu trong đơn kiện. Việt Nam đã thực thi đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ của mình khi gia nhập WTO và tuân thủ các quy định của WTO nói chung cũng như trong lĩnh vực trợ cấp nói riêng.

Ngoài ra, trong bối cảnh Chính phủ Mỹ vẫn chính thức coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường thì việc doanh nghiệp Mỹ khởi kiện chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là điều hết sức vô lý, hoàn toàn trái ngược với chính sách, quan điểm truyền thống của DOC. Đó là không áp dụng luật chống trợ cấp đối với các nước vẫn bị Mỹ coi là nền kinh tế phi thị trường.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ Ngô Văn Thoan cho rằng, việc DOC quyết định về thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm túi nhựa đựng hàng bán lẻ nhập khẩu từ Việt Nam là thiếu công bằng. Mặc dù phía Việt Nam đã cung cấp cho phía Mỹ những số liệu giải trình cho thấy việc Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp là phù hợp với tiêu chuẩn của WTO, nhưng Washington vẫn đưa ra phán quyết theo quan điểm của họ.

Dự kiến, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ , ITC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 10/5/2010. Nhưng theo nguồn tin từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, giá trị nhập khẩu túi nhựa PE từ Việt Nam vào Mỹ trong năm 2009 đã giảm xuống còn 43 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 79,4 triệu USD của năm 2008.

Nguồn: tgvn.com