Theo Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù các nhà xuất khẩu rau quả Việt Nam mở rộng tìm kiếm nghiên cứu thị trường xuất khẩu và đã có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh của mình tại thị trường quốc tế.

Để gia tăng giá trị xuất khẩu, các chuyên gia thương mại cho rằng cần ưu tiên cơ cấu rau quả xuất khẩu theo thứ tự tươi - chế biến đông lạnh - chế biến đóng hộp - chế biến nước ép và sấy khô.

Phát triển xuất khẩu phải đi đôi với phát triển thị trường nội địa bởi hiện nay thị trường nội địa là chỗ dựa cho thị trường xuất khẩu khi gặp khó khăn.

Bên cạnh đó cần tiếp tục hình thành nên vùng nguyên liệu tập trung sản xuất lớn đủ sức cung ứng ổn định cho doanh nghiệp cũng như có chính sách bảo hiểm đầu tư trong nông nghiệp, bảo hiểm hợp đồng tiêu thụ dài hạn đặc biệt đối với các loại cây xuất khẩu vốn có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, tạo an tâm và giảm rủi ro cho các doanh nghiệp khi đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định lâu dài.

Ngoài ra cần có chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến rau quả; khuyến khích, hỗ trợ hình thành nhiều hợp tác xã, nhiều cơ sở xuất khẩu theo vùng trên cơ sở liên kết quyền lợi chặt chẽ giữa những người trồng rau quả; tạo chủ động liên kết giữa các viện, trường, trung tâm với các nhà xuất khẩu, nhà vườn… nhằm ứng dụng các nghiên cứu có tính thực tiễn cao.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong sáu năm (2004-2009) đạt 1,82 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm, riêng năm 2009 vừa qua là 439 triệu USD và ba tháng đầu năm 2010 có phần tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Đặc biệt, năm qua kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường EU đạt 49,6 triệu USD, tăng 9,4% so với năm 2008. Nhiều chủng loại rau quả đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này như thanh long, xoài, hồng xiêm, dừa, nhãn, thảo quả, quả cóc, quả tắc, rau đay, măng, rau gia vị.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, con số trên vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong quí 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ tăng nhẹ và chủ yếu là do tăng giá trong khi khối lượng tăng ít. Ngoài ra, tỷ trọng xuất khẩu tươi cũng rất ít (chủ yếu là xuất khẩu thanh long, bưởi… sang các nước trong khu vực ASEAN) và chỉ chiếm 2,5% so với rau quả chế biến.

Theo dự báo, trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường EU sẽ tăng mạnh do nhu cầu tăng đối với các sản phẩm rau quả đặc trưng với hương vị mới lạ từ các nước nhiệt đới.

Nguồn: VietnamPlus