Tổng giá trị cho vay của WB đạt mức kỷ lục
13/04/2010 182Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) được công bố hôm thứ Tư (07/04), trong vòng 18 tháng khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra vừa qua, tổng các khoản vay mà WB đã cung cấp cho các nước đang phát triển nhằm mục đích hỗ trợ tài chính đã lên tới con số kỷ lục: 100 tỷ USD.
WB bắt đầu tăng cường cho vay từ tháng 07/2008 theo yêu cầu của các nước thành viên do nhu cầu từ phía các nước đang phát triển ngày càng tăng cao nhằm đối mặt với khủng hoảng ngày càng trầm trọng cũng như sự suy giảm mạnh mẽ của thương mại thế giới.
Phần lớn giá trị các khoản cho vay kể từ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu bùng nổ năm 2008, khoảng 60,3 tỷ USD, là dành cho các nước có mức thu nhập trung bình do những quốc gia này không có khả năng hoặc gặp phải rất nhiều khó khăn để vay được tiền trên các thị trường tài chính toàn cầu. Trước khi khủng hoảng xảy ra, tổng giá trị các khoản vay dành cho những quốc gia này chỉ vào khoảng 15 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, tổng giá trị các khoản vay mà WB hỗ trợ cho những quốc gia nghèo nhất thế giới trong giai đoạn khủng hoảng chỉ khoảng 21,2 tỷ USD. Trước khi khủng hoảng xảy ra, mức cho vay này là 12 tỷ USD/năm.
Kyle Peters, giám đốc phụ trách dịch vụ dành cho các quốc gia thành viên WB cho biết, nhu cầu này là bình thường đối với các quốc gia phải đối mặt với áp lực về kinh tế. Phát biểu với phóng viên của Reuters, ông khẳng định: "Rất nhiều quốc gia muốn đảm bảo rằng mạnh lưới an sinh xã hội của mình được mở rộng cả về giá trị các khoản hỗ trợ cũng như số lượng người cần hỗ trợ", và do đó, khi chính phủ các nước nhận thấy thu nhập của mình giảm đi do sự suy giảm nhu cầu thế giới từ tác động của khủng hoảng, tất nhiên họ sẽ tìm tới WB để xin hỗ trợ tài chính, qua đó tránh được tình trạng cắt giảm chi tiêu dành cho các chương trình xã hội.
Kể từ tháng 07/2008, WB đã hỗ trợ tổng cộng cho 497 dự án vì các mục đích như: đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, chống lại đói nghèo, hỗ trợ cho các mảng kinh tế tư nhân... trong đó bao gồm 28 tỷ USD tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Các cam kết hỗ trợ những khu vực tài chính khó khăn cũng tăng lên khi hệ thống ngân hàng tại các nước mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển cũng phải đối mặt với nhiều căng thẳng.
Chủ tịch WB Robert Zoellick đã lên tiếng cảnh báo rằng, ngay cả khi kinh tế toàn cầu đã thoát khỏi khủng hoảng, con đường hồi phục kinh tế sẽ vẫn không bằng phẳng và các quốc gia sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Dự kiến, để đối phó với nhu cầu hỗ trợ tài chính ngày càng gia tăng của các quốc gia thành viên, WB sẽ có cuộc họp với Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) vào cuối tháng này nhằm bàn bạc các biện pháp hỗ trợ các quốc gia tăng cường ngân sách.
Phía các nền kinh tế mới nổi cũng cho biết, các nước này sẵn sàng tăng khoản đóng góp của mình để đổi lại việc có được vai trò lớn hơn trong tổ chức này.
Theo nhận định của ông Peters, bức tranh kinh tế giữa các khu vực và các quốc gia vẫn còn nhiều điểm đan xen trái ngược. Điều quan trọng lúc này là chính phủ các nước không nên đổ xô vào vay mượn tại các thị trường nội địa nhằm tránh tình trạng gia tăng chi phí tín dụng cho các doanh nghiệp trong nước.
Nguồn: Cổng Thương vụ Việt nam
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc