“Hiện nay hiệp định TPP đang được đàm phán tại Mỹ vào giai đoạn cuối và khá căng thẳng. Nhưng các nhà đàm phán Việt Nam rất lão luyện và tôi hi vọng các bên sẽ kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, David B. Shear, trả lời TBKTSG Online như vậy tại cuộc họp báo sau buổi nói chuyện của ông về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Đại học Cần Thơ vào chiều tối ngày 21-11.

Trước đó, đại sứ David Shear khẳng định, TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích ngắn hạn cho Việt Nam trong xuất khẩu, không chỉ sang Mỹ mà cả sang 10 nước còn lại sau khi ký kết TPP. “Một khảo sát cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 37% trong vài năm đầu, nhất là da giày, dệt may và hàng nông thủy sản”, ông nói và không quên nhấn mạnh: “Riêng Mỹ và Việt Nam, mức độ gia tăng sẽ tương ứng với mức độ mở cửa nhập khẩu hàng nông thủy sản của Mỹ vào Việt Nam”.

“Hoa Kỳ, Việt Nam và 10 nước khác - Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore - đang xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại đa phương mang tầm thế kỷ 21 với những chuẩn mực cao sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khắp khu vực Thái Bình Dương. Các nước hy vọng có thể hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm nay”.

Đại sứ David B. Shear

Về dài hạn, đại sứ cho rằng dần dần, nhờ vào TPP, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. Ông nói: “Thí dụ trong nông nghiệp, lĩnh vực rất quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TPP sẽ mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại hơn. Như vậy sẽ giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, làm tăng hiệu quả, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trên toàn cầu của Việt Nam”.

Trả lời những lo ngại về sự bất lợi mà TPP đem lại cho Việt Nam, đại sứ Mỹ nói: “Yếu tố quan trọng nhất để thành công là khả năng thích nghi và sáng tạo. Và đây chính là tính cách tiêu biểu của đất nước và con người Việt Nam”.

Đây là buổi giới thiệu về TPP đầu tiên của đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trước đó ông đã đi thăm một số tỉnh ở ĐBSCL.

 

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn