(TBKTSG) - Ngày 13-11-2013, trang Wikileaks tiết lộ một bản dự thảo nguyên vẹn về chương sở hữu trí tuệ (SHTT) trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tính tới ngày kết thúc vòng thứ 19 tại Brunei (30-8-2013). Sự kiện này ngay lập tức đã tạo ra một cơn chấn động trong giới quan sát.

TPP bao lâu nay bị khắp nơi “la ó” bởi tình trạng bưng bít thông tin đàm phán. Không ai biết đích xác cái gì đã được đặt trên bàn đàm phán, cái gì đang được lật qua lật lại và bởi những ai... trong TPP. Thậm chí cả những cơ quan đầy quyền lực như Nghị viện Hoa Kỳ cũng phải ngao ngán lắc đầu. Và nghe đâu, ở mỗi nước thành viên TPP, chỉ không quá ba người có quyền tiếp cận với đầy đủ các dự thảo đang được đàm phán trong TPP.

Trong bối cảnh này, việc dự thảo nguyên một chương gây tranh cãi nhiều nhất bị tiết lộ rõ ràng là một “quả bom truyền thông” chưa từng có trong đàm phán TPP. Điều thú vị là “ngòi nổ” lại không nằm ở nội dung các quy định có trong dự thảo, mà ở đâu đó ngoài lề.

Chuyện chính... chẳng có gì mới

Quả thật, tuy chưa bao giờ có chuyện cả 95 trang dự thảo chương SHTT bị tiết lộ, nhưng rải rác suốt từ năm 2011, khi Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa bản chào chương này ra thảo luận, từng nhóm rồi từng nhóm nội dung đã được công chúng biết tới bằng cách này hay cách khác.

Vì vậy, tháng 11 này, người theo dõi TPP thường xuyên sẽ không ngạc nhiên lắm trước các quy định trong dự thảo bị tiết lộ đó. Bởi suốt cả trăm trang vẫn là những đòi hỏi tăng cường mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu thương mại... ở mức cao hơn yêu cầu trong Hiệp định TRIPS của WTO.

Nào là yêu cầu mở rộng phạm vi bảo hộ sáng chế đối với cả những phương pháp chẩn đoán, điều trị hay phẫu thuật vốn trước nay được phép tự do học hỏi, áp dụng lẫn nhau. Nào là bảo hộ không chỉ cho thuốc mới mà cho cả các phương pháp hay cách thức sử dụng mới của một loại thuốc cũ. Hay các quy định buộc người xin phép lưu hành các loại dược phẩm hay thuốc trừ sâu, phân bón phải làm lại các thử nghiệm trên người/động thực vật dù rằng các dữ liệu thử nghiệm tương tự đã có. Rồi thì những yêu cầu bảo vệ cao về bản quyền, đặc biệt trong môi trường mạng, có thể khiến các nhà mạng chẳng dám đưa thông tin gì nhiều...

Xét chi li thì dự thảo cũng có những nội dung mới. Đó là các chi tiết trong “bản chào ngược” mà nhóm năm nước trong TPP (bao gồm New Zealand, Canada, Singapore, Chile và Malaysia) đưa ra lần đầu tiên, tập trung vào ba nhóm đề xuất bác bỏ yêu cầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực dược phẩm (về độc quyền dữ liệu, gia hạn thời gian bảo hộ và liên kết sáng chế). Dù lần đầu tiên được biết tới một cách chi tiết, nhưng ý tưởng của những đề xuất này cũng đã được nhắc tới nhiều lần trước đó.

Vậy chuyện gì gây sốc trong dự thảo bị tiết lộ bởi Wikileaks?

Chuyện ngoài lề lần đầu tiên hé lộ

Âu cũng là cái giá phải trả cho cách đàm phán lặng lẽ, bí mật, cho cách hoạch định chính sách thiếu minh bạch, không công khai, không cho công chúng cơ hội được biết, được thảo luận rốt ráo về những vấn đề liên quan tới miếng cơm manh áo, tới sức khỏe tính mạng của họ.

Điều gây sốc nhất trong dự thảo bị tiết lộ lần này, thực ra, nằm ở những nội dung “trong ngoặc”. Có tới gần 1.000 cái ngoặc mở-đóng trong dự thảo bị tiết lộ, với đầy đủ những cái tên nằm trong ngoặc, nêu rõ nước nào trong TPP ủng hộ hay phản đối những nội dung cụ thể nào trong dự thảo.

Đàm phán TPP, dù có bị rò rỉ đâu đó về “cái gì đang có”, vẫn kín bưng về câu chuyện “ai là ai”. Và Wikileaks đã xé toang bức màn bí mật này.

Người ta òa lên. À, hóa ra Úc ủng hộ Hoa Kỳ phần lớn. Hóa ra các nước phản đối những yêu cầu bảo hộ SHTT cao trong đề xuất của Hoa Kỳ là Chile, Malaysia, Việt Nam. Hóa ra các nước khác cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Và hóa ra, trong tất cả các điều khoản của dự thảo 30.000 từ này đều chưa đạt được sự đồng thuận của tất cả 12 nước tham gia TPP.

Tất nhiên, điều này chắc chắn sẽ khiến một số chính phủ lúng túng. Bởi họ không biết phải giải thích làm sao với các nhóm lợi ích trong nước: tại sao tiếp nhận ý kiến của nhóm này mà không tính tới lợi ích của nhóm khác? Tại sao điểm này ủng hộ điểm kia lại không?... Âu cũng là cái giá phải trả cho cách đàm phán lặng lẽ, bí mật, cho cách hoạch định chính sách thiếu minh bạch, không công khai, không cho công chúng cơ hội được biết, được thảo luận rốt ráo về những vấn đề liên quan tới miếng cơm manh áo, tới sức khỏe tính mạng của họ.

Dù vậy, nhìn xa hơn nữa, người lạc quan có thể hy vọng rằng chính những sức ép từ các nhóm này sẽ buộc các chính phủ phải linh hoạt hơn trong các nội dung đàm phán, vì lợi ích chung của nhân dân ở tất cả các nước liên quan. Và nếu có cùng mẫu số chung là lợi ích công cộng, 1.000 điểm khác biệt cũng vẫn có thể tìm được các đáp án chung thích hợp lắm chứ.

Với riêng Việt Nam, dự thảo bị tiết lộ mang đến một điều đáng mừng. Rằng những lo lắng chính đáng của người bệnh, của doanh nghiệp về giá thuốc cao sau TPP, những băn khoăn nóng hổi của người nông dân về chi phí dành cho phân bón, thuốc trừ sâu trong trồng trọt chăn nuôi, hay những ngại ngần của các cộng đồng nông thôn về các sản vật chỉ dẫn địa lý... đã được đoàn đàm phán lắng nghe, tiếp nhận và đưa vào dự thảo đàm phán. Và rằng người đi đàm phán đã rất kiên định tranh đấu cho các lợi ích của Việt Nam trong vấn đề này, từ những chi tiết nhỏ nhất.

Ngày 15-11 vừa rồi, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo về TPP. Ở đó, đích thân ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ, đã có những cập nhật súc tích về TPP, về các nội dung cơ bản cũng như những tác động sau TPP. Người tham dự đều có chung một cảm giác, rằng TPP sẽ là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam vượt qua chính mình.

Trung tâm WTO-VCCI

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn