Thực thi Luật Nông nghiệp 2008, hay còn gọi là “Đạo luật về Thức ăn, Bảo tồn và Năng lượng năm 2008”, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự định xếp cá tra, ba sa Việt Nam (tên khoa học là Pangasius) cùng loại với cá da trơn của Mỹ (dòng Ictalurus). Sau 10 năm, “Chiến dịch Catfis” có tái diễn” ?

Nếu quyết định này được áp dụng, không chỉ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam (VN), khó khăn cho những nhà nhập khẩu Mỹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.

Lo ngại trước việc định nghĩa lại tên cá tra, ba sa của VN, Hội Nghề cá Cần Thơ đã gửi kiến nghị trực tiếp đến ông Tom Vilsack, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ để phản đối dự định trên. Bộ Công Thương cũng đã cùng các cơ quan chức năng, các cơ quan ngoại giao... và các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu Mỹ phản đối việc làm này.

Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định phải thực hiện theo quy trình và phải lấy ý kiến của công chúng. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, nhất là khi Mỹ xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm cá da trơn nhập khẩu, để có sự chuẩn bị cụ thể.

Việt Nam là một trong 10 nước có kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất vào Mỹ. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản VN sang Mỹ là khoảng 677 triệu USD. Điều này cho thấy, việc định nghĩa lại tên cho một loại cá, xuất phát từ sự cạnh tranh không lành mạnh và sâu xa hơn là chính sách bảo hộ của Mỹ. Từ năm 2001, ngay sau khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ do đích thân Tổng thống G.Bush ký chưa ráo mực, một trận chiến thương mại không cân sức đã nổ ra. Tức giận khi cá tra, ba sa VN có chất lượng tốt, giá bán rẻ hơn, đang dần chiếm lĩnh thị trường, một nhóm các nhà kinh doanh và Hiệp hội các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) đã châm ngòi “Chiến dịch Catfish”, mặc cho vụ việc đi ngược tinh thần Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. Nhằm áp các quy định khắt khe hơn, năm 2002, Quốc hội Mỹ còn ban hành một đạo luật không công nhận cá da trơn VN thuộc dòng catfish.

Theo PGS Nguyễn Hữu Dũng, catfish là tên chung của loài cá da trơn, việc sử dụng tên "catfish" (kèm theo các tính từ xác định từng loài) cho các sản phẩm cá da trơn Việt Nam là hoàn toàn đúng quy định và chuẩn mực thương mại quốc tế. Về phương diện khoa học, nhiều nhà khoa học của Mỹ, trong đó có tiến sĩ C.Phe-ra-rít thuộc Viện hàn lâm Khoa học Ca-li-pho-ni-a cũng thừa nhận cá da trơn của VN thuộc giống Pangasius. Về phương diện luật pháp, theo quy định hiện hành của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), các loài cá da trơn của VN đều được mang tên thương mại có chữ "catfish" cùng với một tính từ xác định loại kèm theo. Cá basa có thể dùng một trong năm tên: Basa, Bocourti fish, Basa catfish và Bocourti catfish. Cá tra có thể dùng một trong ba tên: Swai, Sutchi Catfish và Striped catfish.

Vượt qua nhiều rào cản, 10 năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản VN đều nghiêm túc thực hiện các quy định của FDA và của Chính phủ VN về sử dụng các tên thương mại cho cá tra, basa. Trên bao bì sản phẩm xuất khẩu luôn in rõ "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản xuất tại Việt Nam".

Định nghĩa lại tên cá tra, ba sa VN, đồng nghĩa với việc chuyển cá tra, ba sa từ Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) quản lý. Nếu cá tra, ba sa Việt Nam được định nghĩa lại là catfish, nhà xuất khẩu sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí, công sức để đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu ngặt nghèo của Mỹ.  P.V

Theo TTXVN tại Mỹ, trong báo cáo trình Quốc hội Mỹ mới đây, Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk cho biết, chính quyền Mỹ sẽ tăng cường thúc ép các đối tác thương mại phải mở cửa hơn nữa cho các hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. 

Ông Kirk cũng đưa ra hai báo báo mới liên quan đề cập những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu ra thế giới của các nhà sản xuất, các hãng chế tạo Mỹ. Trong đó, Báo cáo đánh giá tình hình thương mại quốc gia của Mỹ đã liệt hơn 60 nước vào diện "cần quan tâm" nhằm có biện pháp mạnh tay ngăn chặn những nước này dựng nên những rào cản thương mại đối với xuất khẩu của Mỹ.

Điều đáng quan tâm, song song với việc sử dụng nhiều biện pháp gây khó dễ cho các loại hàng hóa nhập vào Mỹ, đặc biệt là cá tra, ba sa của Việt Nam, Mỹ lại đòi mở cửa cho hàng hóa của Mỹ được nhập vào các nước. Không biết, chính quyền Mỹ có nhận ra sự mâu thuẫn này?

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam