Cơ hội mà ACFTA đem lại cho các nước ASEAN không phải nhỏ, bởi Hiệp định này tạo ra một thị trường khổng lồ với 1,9 tỷ người tiêu dùng và GDP kết hợp lên đến hơn 6 nghìn tỷ USD Mỹ. Tuy nhiên, cùng với tiềm năng của một thị trường rộng lớn là sự cạnh tranh quyết liệt.

Có người đã mượn hình ảnh của những con cá rồng để minh họa cho cuộc chơi trong Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc - ACFTA. Từng con cá rồng di chuyển một cách thong thả, hiền lành trong bể khi không bị quấy rầy. Nhưng một khi bị ghép cặp với một con cá rồng khác thì chúng tỏ thái độ khác hẳn. Khi đó chúng sẽ trở nên hung dữ, tìm cách ăn thịt lẫn nhau hoặc đánh nhau cho đến chết. Thực tế đó nói lên một điều: Chung sống thì được nhưng cạnh tranh trực tiếp có thể sẽ dẫn đến sự hủy diệt. Đây là điều mà các nhà sản xuất ở Đông Nam Á ý thức được khi ACFTA bắt đầu có hiệu lực và cùng với nó là sự đổ bộ ồ ạt của các nhà sản xuất Trung Quốc vào khu vực này sau ngày 1/1/2010.

Phải thừa nhận là cơ hội mà ACFTA đem lại cho các nước ASEAN không phải nhỏ. Nó tạo ra một thị trường khổng lồ với 1,9 tỷ người tiêu dùng và GDP kết hợp lên đến hơn 6 nghìn tỷ USD Mỹ. Tuy nhiên, cùng với tiềm năng của một thị trường rộng lớn là sự cạnh tranh quyết liệt. Mối quan ngại về nguy cơ cạnh tranh từ hàng hóa của Trung Quốc ngày càng được nhắc tới nhiều hơn. Tờ Bangkok Post đưa tin Haier- nhà sản xuất đồ điện gia dụng khổng lồ của Trung Quốc- có kế hoạch tận dụng lợi thế từ ACFTA để đầu tư thêm 9 triệu USD Mỹ vào các cơ sở sản xuất của mình tại Thái Lan để sản xuất thêm nhiều tủ lạnh, máy giặt và điều hòa nhiệt độ. Bộ trưởng Công Thương Indonesia cũng đã thông báo tới Ban Thư ký ASEAN, nước này muốn lui thời hạn thực hiện những cam kết cắt giảm thuế đối với các mặt hàng dệt may, chế biến thực phẩm và điện tử vì lo ngại rằng các ngành công nghiệp nội địa sẽ rơi vào tình trạng đình trệ do hàng giá rẻ của Trung Quốc. Một số nước khác trong ASEAN cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự vì nhiều mặt hàng của họ đang dựa vào chi phí thấp để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc trên thị trường thế giới.

Các nhà kinh tế cho rằng, để có chỗ đứng trên thị trường rộng lớn do ACFTA tạo ra, các doanh nghiệp ASEAN cần phải tạo ra những hàng hóa và dịch vụ mà Trung Quốc không thể bắt chước được – và phải làm điều đó một cách khẩn trương. Trong bản báo cáo có tiêu đề “Ai được lợi nhiều nhất từ nhu cầu của thị trường nội địa Trung Quốc” phát hành năm 2009 Kit Wei Zheng, một kinh tế gia của City Group tại Singapore đã viết: “Xét tới những thay đổi trong lợi thế so sánh của Trung Quốc, các nước châu Á cần phải hướng nền kinh tế của mình tới những lĩnh vực mà Trung Quốc không dễ bắt chước”.

Dầu cọ của Malaysia là một ví dụ. Đây là loại hàng hóa Trung Quốc rất muốn có nhưng không thể sản xuất được. Các sản phẩm điện tử bình dân (low end products) lại là một ví dụ khác. Peter Wong của HSBC, Hồng Kông nhận định Thái Lan và Malaysia “là những quốc gia hoàn toàn có thể thay thế Trung Quốc trong mạng lưới sản xuất các sản phẩm (điện tử) bình dân”.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm ăn với Trung Quốc nhưng không cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiêp Trung Quốc, cũng sẽ là những người được lợi từ thị trường hơn 1 tỷ người này. Việc xuất khẩu cá rồng sang Trung Quốc là một ví dụ lý thú. Theo một chủ doanh nghiệp nuôi cá cá rồng tại Singapore, Đông Nam Á cung cấp tới 60% lượng cá cảnh cho thế giới. Vùng này có nguồn nước ấm và hệ sinh thái hải dương phong phú, một lợi thế mà Trung Quốc không thể nào có được. Ông này cũng cho biết, cá rồng là loại cá cảnh mà các doanh nhân Trung Quốc luôn muốn có trong nhà. Một con cá rồng khi trưởng thành có thể có giá tới cả chục nghìn đô la Singapore. Tuy nhiên, nuôi loại cá này không phải dễ. Trứng cá phải được giữ trong miệng con cá đực cho đến khi nở thành cá con. Khi xuất khẩu người ta cấy một chip điện tử vào bụng con cá, đặt chúng vào các túi chứa đã được bơm ô xy và xuất đi bằng máy bay. Trước đây, thuế nhập khẩu cá rồng vào Trung Quốc có thể chiếm tới 6% giá thành con cá nên kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quôc chỉ chiếm 10% trong doanh thu của doanh nghiệp nói trên. Với việc loại bỏ thuế nhập khẩu, cá cảnh vào Trung Quốc sau khi ACFTA có hiệu lực ông chủ doanh nghiệp này đang dự định tăng tỷ lệ này lên gấp 3 lần trong 5 đến 10 năm tới.

Trong tiếng Hoa, từ “cá” gần nghĩa với sự giàu có, sự dư thừa. Những người Hoa muốn trở nên giàu có thường nuôi cá trong nhà. Các chủ trại cá cảnh ở ASEAN cũng muốn trở nên giàu có nhờ vào những con cá đó nên họ đang chèo lái doanh nghiệp của mình tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với các doanh nghiệp phương Bắc.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam