Ngày 4 và 5 tháng 7 năm 2013, Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 3 (ACC) do Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) phối hợp với Ban thư ký ASEAN tổ chức đã diễn ra tại Singapore với chủ để “Tiến tới hội nhập khu vực về luật và chính sách cạnh tranh”. Hội thảo năm nay có sự góp mặt của gần 200 đại diện của các cơ quan cạnh tranh trong khu vực, các học giả và các chuyên gia cạnh tranh trên toàn thế giới như giáo sư William Kovacic, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, ông Andreas Mundt, Chủ tịch cơ quan cạnh tranh Đức (Bundeskartellamt), ông Eduardo Pérez Motta, Chủ tịch Mạng lưới cạnh tranh quốc tế (ICN)… 

Tiếp nối thành công của Hội nghị ACC lần thứ 2 tại TP. Hồ Chí Minh năm 2012 với chủ đề “Mua bán và sáp nhập: tác động đến ASEAN”, Hội nghị lần này tập trung thảo luận về các lợi ích, phương pháp tiếp cận và những khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh tại ASEAN và con đường hội nhập với nền cạnh tranh trên thế giới.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, Ông Lim Hng Kiang đã kêu gọi các nước ASEAN thảo luận và thống nhất nhằm xây dựng một chính sách cạnh tranh hài hòa và hợp lý. Cũng theo Ông Lim, việc xây dựng một cơ chế cạnh tranh vững chắc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất và năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế trong ASEAN. 

Tại Hội nghị, các diễn giả cũng như những nhà hoạch định chính sách, đại diện của các cơ quan cạnh tranh và khối doanh nhân trong và ngoài khu vực cũng đã chia sẻ những phương pháp tiếp cận và cách thức để có sự hợp tác cạnh tranh bền vững và hiệu quả trong khu vực. 

Theo các chuyên gia tại Hội nghị, về cơ bản, hợp tác cạnh tranh có thể chia thành 3 loại: hợp tác chặt (như mô hình của EU), hợp tác lỏng (như mô hình ICN) hoặc hợp tác hỗn hợp (như mô hình ASEAN). Mỗi mô hình đều có những ưu nhược điểm của mình và việc lựa chọn mô hình hợp tác nào hoàn toàn tùy thuộc vào tình hình của khu vực và mức độ cam kết của các quốc gia thành viên. 

Hiện nay, trong tổng số 10 nước thành viên của ASEAN đã có 5 nước thành viên đã ban hành luật cạnh tranh và theo như cam kết thì các nước sẽ hoàn thành việc ban hành văn bản pháp luật vào năm 2015.  

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về hướng hợp tác trong tương lai của ASEAN trong lĩnh vực cạnh tranh, theo đó đa số các đại biểu cho rằng hướng đi hiện nay là phù hợp với giai đoạn quá độ xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Tuy nhiên, trong thời kỳ tiếp theo ASEAN cần tính tới các hình thức hợp tác chặt chẽ và bền vững hơn nữa để tăng cường môi trường cạnh tranh khu vực, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các quốc gia thành viên.

Nguồn: Cục quản lý cạnh tranh