Liên minh Châu Âu (EU) trở thành thành viên chính thức của WTO từ ngày 1/1/1995 và đã trải qua 10 phiên rà soát chính sách thương mại. Từ ngày 16- 18/7/2013, các thành viên WTO tiến hành phiên rà soát thương mại lần thứ 11 của EU.

Hiện EU vẫn là một khối thương mại lớn nhất trên thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục gia tăng trong năm 2011- 2012. EU cũng là một nền kinh tế mở với thương mại hàng hóa và dịch vụ trong nội bộ chiếm hơn 33% GDP năm 2011. EU đã hội nhập kinh tế ở cấp độ cao với chính sách thương mại duy nhất và quy định pháp lý chung trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến thương mại.

Kỳ vọng phục hồi kinh tế

EU hiện đang thực hiện các bước nhằm cải thiện khả năng quản lý kinh tế với kỳ vọng hỗ trợ phục hồi kinh tế trong năm 2013 và 2014. Về thủ tục hải quan, EU đã sẵn sàng chuyển sang hệ thống thủ tục điện tử trong toàn bộ EU để thông quan tập trung, thời hạn cuối cùng là năm 2020. Các giấy phép thống nhất cho các thủ tục đơn giản hóa được sử dụng rộng rãi trong giai đoạn rà soát. Hàng hóa đến từ ngoài EU có thể hoàn tất các phương thức hải quan ở cảng đến khi nơi nhận là một nước thành viên khác trong khi “Tờ khai nhập cảnh” có thể được gửi ở nơi nhận thay vì điểm nhập cảnh đầu tiên. Dự án đầu tiên về cơ chế hải quan một cửa dự kiến triển khai năm 2014.

Không thay đổi lớn về thuế quan

Nhìn chung, không có thay đổi lớn đối với thuế quan và tiếp cận thị trường ở EU. Mặc dù có nhiều dòng thuế về 0% và thuế MFN bình quân 6,5%, một số lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, vẫn được bảo hộ cao với thuế suất phức tạp hoặc theo mùa. Tuy nhiên, một vài nước giao dịch thương mại với EU về thuế cơ sở MFN vì EU có một số hiệp định thương mại tự do với các nước cũng như các chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), khuyến khích đặc biệt dành cho phát triển bền vững và khả năng quản trị tốt (GSP+) và ưu đãi đặc biệt dành cho các nước kém phát triển nhất (chương trình mọi thứ trừ vũ khí- EBA).

Khi EU đang trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách đầu tư của mình, các nước thành viên có thể duy trì hiệu lực các hiệp định đầu tư với các nước thứ ba đã được ký kết trước khi Hiệp ước về hoạt động của EU (TFEU) có hiệu lực.

Khung khổ cân bằng về sở hữu trí tuệ

Trong lĩnh vực về quyền sở hữu trí tuệ (IPR), EU tiếp tục quá trình rà soát toàn diện và phát triển cơ quan pháp lý hiện có để thiết lập một khung khổ cân bằng.

Sự phát triển đáng kể nhất trong giai đoạn rà soát là sáng chế châu Âu thống nhất, cho phép các nhà sở hữu quyền trong tương lai có thể đề nghị cấp bằng sáng chế theo cách bảo vệ thống nhất và tự động có giá trị ở 25 quốc gia thành viên tham gia hệ thống này.

Cùng với đó, hệ thống kiện tụng thống nhất về sáng chế cũng sẽ được triển khai. Hệ thống nhãn hiệu thương mại và chế độ bản quyền của EU cũng đang trải qua rà soát chính. Ủy ban Châu Âu đã nộp một số đề xuất pháp lý trong lĩnh vực bản quyền, kể cả liên quan đến quản trị và cấp giấy phép đa lãnh thổ của bản quyền, và đang rà soát khung pháp lý nói chung.

Một bước tiến quan trọng khác là chế độ phù hợp hơn cho chỉ dẫn địa lý: Đặt ra một khuôn khổ chung để thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm có chất lượng, kể cả thông qua tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý. Việc thiết lập khung pháp lý phù hợp cho việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm phi nông nghiệp tiếp tục được xem xét.

Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, các nước thành viên chịu trách nhiệm thực thi luật và các lĩnh vực khác, bao gồm: Chính sách tiền tệ cho các nước ngoài khu vực đồng Euro; thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân; các quy định kỹ thuật, chính sách tài khóa, mua sắm chính phủ, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn