Sau nhiều tuần căng thẳng xô đẩy nhau đến bên nguy cơ chiến tranh thương mại, EU và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận về sản phẩm tấm pin mặt trời sản xuất ở Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường EU. Điều thú vị ở thoả thuận này là trong khi chính giới EU và Trung Quốc hể hả về thoả thuận thì chính những DN trong EU đã đề nghị EU áp dụng thuế quan trừng phạt Trung Quốc lại không hài lòng, thậm chí còn nặng lời phê trách EU.

EU muốn có giải pháp chính trị cho cuộc tranh chấp thương mại này với Trung Quốc.

Từ cuối năm ngoái, hiệp hội đại diện cho lợi ích của các hãng trên lĩnh vực năng lượng mặt trời trong EU là EU Pro Sun đã đề nghị EU có biện pháp đối phó với sản phẩm tấm pin mặt trời của Trung Quốc xuất sang thị trường EU. Họ cho rằng Trung Quốc bù trợ sản xuất và xuất khẩu nên giá bán rẻ và họ không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm của Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc đã xuất khẩu hàng năm sản phẩm tấm pin mặt trời với giá trị 21 tỉ Euro sang thị trường EU. Sau khi cảnh báo Trung Quốc không ăn thua gì, EU đã quyết định áp dụng thuế quan trừng phạt đối với sản phẩm của Trung Quốc. Theo đó, từ đầu tháng 6 vừa qua, EU đã áp dụng mức thuế quan  trung bình 11,8% và sau ngày 6/8 tới dự kiến sẽ từ 37,2% đến 67,9%. Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, doạ sẽ đưa chuyện này ra WTO và đề cập đến việc xem xét EU trợ giá cho một số sản phẩm xuất sang Trung Quốc, trong đó có rượu vang của Pháp và ôtô của Đức. Hai bên đã đạt được thoả thuận nói trên trước thời điểm ngày 6/8 năm nay.

Trong thoả thuận mới này, Trung Quốc và EU nhất trí về giá tổi thiểu cho sản phẩm tấm pin mặt trời của Trung Quốc xuất sang thị trường EU cũng như về hạn ngạch khối lượng. EU đánh giá đó là một "giải pháp hữu nghị". Còn Trung Quốc tán dương "thái độ thực tiễn và linh hoạt của hai bên". Như thế có nghĩa là mọi chuyện lại tốt đẹp giữa EU và Trung Quốc, không còn ăn miếng trả miếng nhau, không chiến tranh thương mại hay kiện tụng nhau ở WTO.

Từ đầu tháng 6 vừa qua, EU đã áp dụng mức thuế quan  trung bình 11,8% và sau ngày 6/8 tới dự kiến sẽ từ 37,2% đến 67,9%.

Giới kinh tế và thương mại liên quan trong EU lại không đánh giá và cảm nhận như vậy. Chủ tịch EU Pro Sun, ông Milan Nitzschke coi thoả thuận trên là "bất hợp pháp và bê bối", đồng thời tuyên cáo sẽ khởi kiện Uỷ ban EU ở Toà án của EU. Ông Nitzschke cáo buộc EU đã nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều. Hiệp hội Afase đại diện cho các hãng kinh doanh tấm pin mặt trời giá rẻ coi đó là một "thoả thuận tồi giữa Trung Quốc và EU".

Thật thú vị khi thấy EU nêu cao mục đích bảo vệ lợi ích cho các DN của EU nhưng lại bị chính các DN này phê trách. Lý do ở chỗ EU muốn có giải pháp chính trị cho cuộc tranh chấp thương mại này với Trung Quốc. Một khi đã quy định giá tối thiểu và hạn ngạch về khối lượng thì làm gì còn thị trường tự do, cạnh tranh và mậu dịch tự do. Thực tiễn quan hệ kinh tế và thương mại giữa các đối tác kinh tế lớn cho thấy thắng kiện trọng vụ này thì rồi sẽ lại gặp vạ trong vụ khác. Lòng vả cũng như lòng sung, bên nào chẳng bù trợ sản xuất và xuất khẩu, chẳng bảo hộ mậu dịch bằng thuế quan và rào cản phi thuế quan. EU đánh thuế quan cao đối với sản phẩm tấm pin mặt trời của Trung Quốc thì Trung Quốc nhằm vào rượu vang của Pháp hay ôtô của Đức hoặc sản phẩm ống thép không mối hàn của nhiều DN trong EU. Lợi ích riêng của một số thành viên EU bị ảnh hưởng và sự phân rẽ trong nội bộ EU về quan hệ với Trung Quốc là chuyện không thể tránh khỏi. EU bao gồm 28 thành viên và do vậy Trung Quốc tác động vào nội bộ EU dễ dàng hơn nhiều so với ngược lại.

Vụ việc về tấm pin mặt trời như vậy đã được giải quyết giữa EU và Trung Quốc. Giải pháp được thoả thuận giữa hai bên lạ lùng và độc đáo, đồng thời còn cho thấy giữa hai bên còn tranh chấp thương mại, sẽ còn làm găng nhau, nhưng rồi cũng sẽ được giải quyết và không có chuyện họ để xảy ra chiến tranh thương mại.

Nguồn: http://dddn.com.vn