Nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (từ ngày 24- 26/7/2013), Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Duy Khiên đã có những nhận định về tình hình thương mại hai nước.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng của Hoa Kỳ có sức hút với khách du lịch Việt Nam

Ông đánh giá thế nào về thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ thời gian qua?

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại được Việt Nam- Hoa Kỳ đẩy mạnh, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ (BTA) được ký, thương mại song phương đã tăng từ mức 1,51 tỷ USD năm 2001 lên 24,5 tỷ USD vào năm 2012. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng đều, năm 2001 khoảng 1 tỷ USD, đến năm 2012 đã tăng lên 20,5 tỷ USD.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chủ yếu là các mặt hàng truyền thống mà Việt Nam có thế mạnh như: Dệt may, giày dép, nông, thủy sản, đồ gỗ... Các mặt hàng cơ khí, điện tử đang có xu hướng tăng lên trong 3- 4 năm trở lại đây.

Trong quan hệ thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ đã có những vấn đề phát sinh, ông nhận định thế nào?

Trong quan hệ thương mại đương nhiên sẽ có những vấn đề phát sinh. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ càng tăng thì số vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá cũng tăng theo. Đến nay, đã có 12 vụ kiện về chống bán phá giá, trong đó có 4 vụ vừa chống bán phá giá, vừa chống trợ cấp. Điển hình là các vụ kiện cá tra, cá ba sa hay tôm của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Những vụ kiện này gây những ảnh hưởng tiêu cực, hạn chế xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.

Theo ông, xử lý các phát sinh này bằng cách nào?

Chúng ta tiếp tục trao đổi với Hoa Kỳ để hai bên cố gắng hạn chế những rào cản không cần thiết. Chẳng hạn, Việt Nam tiếp tục đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, công nhận là nước đang phát triển.

Để thúc đẩy hơn nữa thương mại hai nước, Việt Nam đã và đang nghiên cứu, mở rộng các quy định về nhập khẩu, giảm thuế hàng trăm mặt hàng nhập vào Việt Nam... Mới đây, Việt Nam cho phép nhập khẩu nội tạng trắng của động vật, tất nhiên, phải tuân thủ quy định kiểm dịch động, thực vật và chỉ được phép nhập khẩu ở những cảng có đủ phương tiện kiểm dịch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài tham gia các chương trình của Chủ tịch nước tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ có buổi làm việc với đại diện Thương mại Hoa Kỳ và một số doanh nghiệp lớn để trao đổi thông tin, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, gia tăng thương mại giữa hai bên.

Theo ông, việc hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đóng vai trò gì trong thúc đẩy thương mại hai nước?

Lợi ích từ TPP sẽ lớn hơn nhiều so với BTA, do đây là hiệp định cấp khu vực, với diện cam kết rộng và mức độ cam kết sâu. Lợi ích gia tăng của Việt Nam gần như gấp đôi do Hoa Kỳ và Nhật là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Hiệp định này cũng sẽ giúp gia tăng các cơ hội xuất khẩu và tăng việc làm cho các nước tham gia. TPP cũng là cơ hội cho làn sóng đầu tư thứ hai (khi Việt Nam gia nhập WTO đã tạo ra làn sóng đầu tư).

Tuy nhiên, tham gia TPP, Việt Nam cũng phải mở của thị trường cho hàng của Hoa Kỳ và các nước TPP khác. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ xu hướng bảo hộ, áp lực cạnh tranh bên ngoài đến điểm yếu nội tại.

Để tận dụng được cơ hội mang lại từ TPP, nội lực, môi trường đầu tư của Việt Nam là những yếu tố quyết định. Việc giảm thuế xuất khẩu sẽ tác động làm cho hàng của Việt Nam rẻ hơn tại thị trường Hoa Kỳ và các nước TPP khác. Nhưng nếu vẫn sản xuất lạc hậu, manh mún, giá thành cao, việc giảm thuế cũng không bù lại được, hoặc tác động tiêu cực làm giảm hiệu quả, giảm thuế rất nhiều. Vốn cũng sẽ không tự đến nếu như môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn những nút thắt. Vì vậy, chúng ta phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam sản xuất hàng hóa rồi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước khác.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn