Đàm phán về Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TF) là lĩnh vực đặt nhiều kỳ vọng hoàn thành trước Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế WTO lần thứ 9 (MC9).


Kỳ I: Hoạt động của WTO năm 2012


Đàm phán về Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TF). Đây là lĩnh vực đặt nhiều kỳ vọng hoàn thành trước Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế WTO lần thứ 9 (MC9). Tuy nhiên, các nước phát triển tránh đưa ra cam kết hỗ trợ tài chính đa phương trong khi các thành viên đang và kém phát triển vẫn gia tăng các đòi hỏi và không sẵn sàng nhượng bộ.

Đàm phán về đối xử đặc biệt và khác biệt thương mại và phát triển (CTDSS). Đây là đàm phán đang dần trở thành tâm điểm của các đàm phán đa phương. Vai trò của các nhóm nước châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc tỏ ra đặc biệt tích cực trong lĩnh vực này, với hy vọng tạo ra một cơ chế mang tính cân bằng hơn, có lợi cho các nước đang phát triển. Đây là lĩnh vực hứa hẹn có nhiều tiến bộ, một bộ phận không thể tách rời trong "gói cam kết" tại MC 9.

Về đàm phán về nông nghiệp. Tháng 11/2012, Brazil thay mặt Nhóm G20 đã đề xuất 2 tài liệu tham khảo (Non-papers) liên quan đến Diễn giải Điều 2 Hiệp định Nông nghiệp. Nhóm G33 do Indonesia là đại diện cũng nêu ra vấn đề “an ninh lượng thực”, qua đó cho phép chính phủ được trợ cấp thu mua lương thực dự trữ phục vụ nhu cầu sử dụng cho người nghèo. Tuy nhiên, hiện cũng còn quá sớm để khẳng định tính khả thi của những đề xuất này.

Nhìn chung, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, một thành công dù nhỏ nhất cũng sẽ góp phần làm “sống lại” các mục tiêu của Vòng Đàm phán Đô-ha.

Đàm phán về Quy tắc giải quyết tranh chấp WTO (DSU). Một số vấn đề kỹ thuật cũng đã đạt được đồng thuận cao. Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực khác, điểm chốt khó khăn và nhiều khác biệt nhất liên quan đến quyền lợi của các nước đang và kém phát triển trong cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay chưa được giải quyết. Trong năm 2012, Việt Nam đã cử chuyên gia đàm phán tham dự khá tích cực các phiên đàm phán liên quan.

Thực hiện cam kết về trợ cấp bông và miễn hạn ngạch, thuế cho các nước kém phát triển nhất (DFQF) - là một trong nhiều nội dung thảo luận trọng tâm với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Nhóm C4, các LDCs. Được xem là một trong những lựa chọn quan trọng của "Gói cam kết" nhưng tình hình thảo luận đều cho thấy chưa có lối thoát.

Bên cạnh các đàm phán đa phương, một vài đàm phán nhiều bên được một số thành viên, nhất là các thành viên phát triển coi là lối thoát cho bế tắc đàm phán đa phương hiện nay. Cụ thể:

Về đàm phán Hiệp định dịch vụ nhiều bên. Trong bối cảnh đàm phán đa phương về dịch vụ bị đình trệ, từ đầu năm 2012, một số nước, chủ yếu là các nước phát triển, theo đuổi sáng kiến đàm phán nhiều bên và cho ra đời nhóm “bạn thực sự tốt của dịch vụ” (RGFS - Really Good Friends of Services) do Hoa kỳ là chủ tọa. Đến nay, nhóm đã có 20 thành viên (EU gồm 27 nước, tính là 1 thành viên) với quyết tâm cải thiện mức cam kết mở cửa thị trường và hoàn thiện một bước trong quy tắc về thương mại dịch vụ. Mục tiêu của RGFS là hoàn tất đàm phán trước MC 9.

Về đàm phán mở rộng Hiệp định về sản phẩm công nghệ thông tin (ITA), các tham vấn do Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU chủ xướng trong năm 2012 cũng đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều thành viên ITA đã trao đổi các danh mục ITA mở rộng. Tuy vậy, do Ủy ban ITA không đồng thuận khi quyết định tiến hành đàm phán mở rộng ITA nên nhiều khả năng các bên sẽ áp đặt một giải pháp “tạm thời”, chưa áp dụng MFN tự động cho đến khi các bên nhất trí sẽ áp dụng chung cho các thanh viên WTO khác. ITA là một trong những lĩnh vực hiếm hoi vẫn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, nhiều thành viên phát triển và đang phát triển.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn