Từ năm 2007- 2010, Liên bang Nga, Belarus và Kazakhstan đã tiến hành thành lập Liên minh Hải quan Belarus- Kazakhstan- Nga (LMHQ), với mục tiêu chính là đẩy mạnh hội nhập và hợp tác giữa 3 nước thành viên, từng bước mở rộng sự tham gia cho các nước khác thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). 

Thành lập để thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập

LMHQ bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2010, thống nhất quản lý về thuế và các quy định về phi thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu của các nước thành viên. Bộ Luật hải quan của LMHQ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, và từ ngày 1/7/2011 ba nước đã thựchiện dỡ bỏ yêu cầu thông quan tại các biên giới chung trong nội bộ LMHQ đối với hàng hóa, phương tiện vận tải được nhập khẩu từ nước ngoài vào để tiêu dùng tại lãnh thổ LMHQ. Nga, Belarus và Kazakhstan đã áp dụng Biêu thuế nhập khẩu thống nhất và các quy định chung khác đối với hàng nhập khẩu từ nước thứ ba. Trong đó, các mức thuế thuộc Biểu thuế này đã và sẽ được điều chỉnh theo cam kết gia nhập WTO của Nga.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc áp dụng các chính sách chung không ảnh hưởng tới sự phát triển của từng nước, các thành viên thực hiện nguyên tắc hội nhập từng bước. Theo đó, các quốc gia được bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp như: Tự vệ, chống bán phá giá và các biện pháp đối kháng đối với một số loại hàng hóa; cấm hay hạn chế đối với xuất khẩu và nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa đến/từ nước thứ ba; áp dụng các quy định ngoại lệ;... Quy định về thuế xuất khẩu hàng hóa từ các nước LMHQ sang nước thứ ba được thực hiện theo quy định riêng của từng nước.

Từ ngày 1/1/2012, các nước LMHQ bắt đầu triển khai xây dựng Không gian kinh tế Á- Âu, nhằm tạo ra một thị trường chung đối với lao động, dịch vụ, hàng hóa và giữa các nước thành viên.

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên LMHQ cũng rất tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Ngày 22/8/2012 LB Nga đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kazakhstan và Belarus cũng đang đàm phán gia nhập tổ chức này.

LMHQ được thành lập đã tạo nên một thị trường 170 triệu dân, giàu tài nguyên, kinh tế phát triển nhanh với tổng GDP đạt trên 2.100 tỷ USD và kim ngạch ngoại thương đạt khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2011.

Khu vực phát triển kinh tế năng động

Từ năm 2000 đến nay, kinh tế của các quốc gia thành viên LMHQ phát triển khá nhanh và ổn định, đứng trong số các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới.

Liên bang Nga

Trong giai đoạn 10 năm từ 2001- 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên bang Nga tăng bình quân 4,9%/năm, trong đó từ năm 2003- 2007 tăng bình quân trên 7,5%/năm. Do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, GDP của Nga năm 2009 giảm 7,8%. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay kinh tế Nga phát triển ổn định trở lại, với GDP năm 2011 tăng 4,3% so với năm 2010 và đạt 1.860 tỷ USD.

Trong thời gian gần đây, Nhà nước Nga rất quan tâm tới việc tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất- kinh doanh phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm tới thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ,... Tính đến hết tháng 9/2012, tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Nga đã đạt trên 353 tỷ USD. Từ tháng 1- 9/2012, thu hút đầu tư nước ngoài vào kinh tế Nga đạt 114,4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản (14,3 tỷ USD), chế biến khoáng sản (30,1 tỷ USD), dịch vụ tài chính (38,3 tỷ USD), bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô (18 tỷ USD). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nga cũng rất tích cực đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư tính đến hết quý III/2012 đạt 119 tỷ USD. Vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nga chủ yếu tập trung ở Hà Lan (31 tỷ USD), Síp (25,6 tỷ USD), Thụy Sỹ (8,1 tỷ USD), Hoa Kỳ (7,8 tỷ USD), Anh (6,2 tỷ USD),...

Cùng với phát triển kinh tế năng động, ngoại thương của Liên bang Nga thời gian qua cũng có sự tăng trưởng nhanh. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 đạt 845,6 tỷ USD, tăng 30,3% so với năm 2010. Trong đó, nhập khẩu đạt 323,8 tỷ USD, tăng 30,2%; xuất khẩu đạt 522 tỷ USD, tăng 30,3%. Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2012 đạt 225,8 tỷ USD, với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải (113 tỷ USD); nông sản, lương thực, thực phẩm (28 tỷ USD); sản phẩm công nghiệp hóa chất, cao su (34 tỷ USD).

Dự báo trong giai đoạn 2013- 2015, kinh tế Liên bang Nga sẽ tiếp tục phát triển ổn định với tăng trưởng GDP khoảng trên 4%/năm, lạm phát khoảng 4- 5%/năm.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn