Năm 2009, Việt Nam đã thực hiện một khối lượng lớn công việc hội nhập. Những kết quả đó đã góp phần tích cực cho duy trì mức tăng trưởng, đạt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cải thiện năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, vị thế và sự tín nhiệm Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế.
 
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2009 ngày 2/2, Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế Phạm Gia Khiêm đánh giá: “Hoàn thành công việc lớn, tham gia đàm phán nhiều nội dung trong khuôn khổ đa phương và song phương, tham mưu tốt về hội nhập cho Đảng và Chính phủ, tổ chức bộ máy được kiện toàn làm nền tảng cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế”.

 

Theo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2009 do Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Tổng thư ký Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế Nguyễn Cẩm Tú trình bày, Việt Nam thực hiện khối lượng lớn đàm phán.

Trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã tham gia tích cực hoạt động của tổ chức này và đã thể hiện được tư cách thành viên tích cực. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam tham gia các cuộc đàm phán nội khối và ngoại khối. Nội khối là tập trung vào đàm phán hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho Cộng đồng ASEAN như các hiệp định thương mại hàng hóa, đầu tư, dịch vụ ASEAN và ngoài khối là tham gia các hiệp định FTA với Ôxtrâylia, Ấn Độ và EU….

Về đàm phán song phương, Việt Nam tham gia tích cực Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tư cách thành viên liên kết và quan điểm của Việt Nam được các thành viên lắng nghe và ghi nhận; tham gia 5 phiên đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Nam – Chi Lê; FTA Việt Nam – Thụy Sĩ…

Bên cạnh đó, Ủy bản quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong các nhóm công tác khác như đào tạo chuyên sâu đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng cao, kiện toàn đoàn đàm phán chính phủ, xây dựng báo cáo thực hiện triển khai cam kết gia nhập WTO để trình Bộ Chính trị. Đây là tài liệu được chuẩn bị rất công phu và đánh giá có ý nghĩa quan trọng.

Kết quả công tác hội nhập của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Ông Vũ Dung – Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại Geneve cho biết: “Trong chuyến thăm trụ sở WTO tại Geneve của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam và Việt Nam là hình mẫu thành công của WTO”. Ông Pascal Lamy còn nói rằng, lợi ích từ tự do hóa thương mại đối với Việt Nam sẽ lớn hơn nếu không xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

 

WTO cũng đồng ý với đề nghị của Việt Nam về sự hỗ trợ WTO cho Việt Nam trong giải quyết tranh chấp thương mại như cử chuyên gia giỏi sang WTO thực tập. Năm 2010, WTO sẽ nhận 5 chuyên gia Việt Nam sang Ban thư ký WTO. Ông Pascal Lamy cũng khuyên Việt Nam tham gia nhiều hơn hoạt động của WTO. Tham gia WTO sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế và tự bảo vệ mình trước các tranh chấp thương mại.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói: “Hội nhập quốc tế của Việt Nam trong năm qua rất thành công nhưng quan trọng nhất là vẫn giữ được định hướng và chỉ đạo của Chính phủ”.

Sang năm 2010, nhiệm vụ đặt ra cho công tác hội nhập là rất lớn. Đầu tiên là thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN. Các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế rất trông đợi Việt Nam trong năm ASEAN 2010 với các ưu tiên là đẩy mạnh Hiến chương ASEAN, lấy lại vị thế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế (lấy ASEAN làm nòng cốt). Đây là những công việc gắn nhiều với lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Tiếp đến, Việt Nam tham gia vòng tích cực đàm phán Doha, đẩy mạnh các thỏa thuận đa phương và song phương như FTA Việt Nam - EU, Việt Nam –Nga hoặc với Liên minh thuế quan Nga – Belarus - Kazakhstan, Việt Nam – Chi lê, Việt Nam với nhóm nước Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam với nhóm 4 nước thuộc khối EFTA là Thụy Sĩ, Nauy, Ailen và Lichtenstein, Hiệp định đầu tư song phương Việt Nam – Hoa Kỳ…

Tuy nhiên, một công việc trọng tâm trong công tác hội nhập năm 2010 là nâng cao hiệu quả phổ biến kết quả đàn phán và sự kết nối của cộng đồng doanh nghiệp với quá trình hội nhập mạnh mẽ của đất nước. Tại cuộc họp tổng kết này, Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế đã đưa ra sáng kiến mời các hiệp hội tham gia các kỳ hợp của Ủy ban bởi đây là “chân rết” nhằm truyền tải thông tin hội nhập nhanh nhất đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả hội nhập, Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế dự kiến sẽ thành lập đoàn liên ngành định kỳ của Ủy ban tới làm việc với các địa phương. Hỗ trợ cho công tác phổ biến thông tin hội, một đề án truyền thông quy mô lớn cũng sẽ được sớm triển khai.

Nguồn: Báo công thương điện tử