Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày đầu tháng này song cho đến nay dư luận vẫn xôn xao chung quanh đề nghị của Indonesia đòi “viết lại” (re-write) hiệp định hoặc hoãn việc thi hành.

Ngày 15-1, hãng tin Antara dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia M.S. Hidyat nói rằng bộ này đã đề nghị chính phủ điều chỉnh và hoãn thi hành hai năm 228 dòng trong 6.682 dòng thuế lẽ ra phải được giảm xuống mức 0% từ ngày 1-1-2010 theo ACFTA, gồm các dòng thuế liên quan tới sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất, sắt thép, hóa chất và một số sản phẩm công nghiệp khác.

Ngày 25-1, báo Jakarta Post cho biết Ủy ban ngân sách của Hạ viện Indonesia cho chính phủ sáu tháng để thực hiện yêu cầu tái đàm phán này. Còn hãng tin AFP dẫn lời ông Gusmardi Bustami, quan chức Bộ Thương mại Indonesia cho biết, công thư thông báo yêu cầu của Indonesia về đàm phán lại và điều chỉnh 228 dòng thế đã được nộp lên ASEAN ngày 31-12 vừa qua; Bộ trưởng Thương mại Mari Pangestu xác nhận bà đã thảo luận không chính thức với ban thư ký ASEAN về yêu cầu này, tuy bà nhấn mạnh rằng Indonesia luôn tôn trọng các cam kết đã ký từ năm 2002.

Theo báo Straits Times của Singapore, Hội đồng khu vực thương mại tự do ASEAN có 180 ngày để xem xét đề nghị của Indonesia và nếu nhận được sự đồng thuận của cả chín thành viên còn lại, ASEAN sẽ tái đàm phán với Trung Quốc về hiệp định ACFTA.

Lý do mà Indonesia đưa ra để giải thích cho yêu cầu của mình là việc miễn thuế cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến hàng triệu công nhân bị mất việc, hàng ngàn cơ sở công nghiệp phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi.

Trong thực tế, hàng trăm nhà máy ở Indonesia gần đây đã phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng vì không chỉ “thua trên sân nhà” mà các thị trường xuất khẩu truyền thống của họ cũng rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo Giáo sư Didik Rachbini, giám đốc một viện nghiên cứu kinh tế ở Jakarta, trong vòng bốn năm qua, Indonesia đã chuyển từ một nền ngoại thương tương đối cân bằng với Trung Quốc sang thâm hụt thương mại.

Cơ quan thống kê trung ương Indonesia (BPS) công bố số liệu cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2009, Indonesia nhập khẩu 12,01 tỉ đô la Mỹ hàng hóa từ Trung Quốc (trừ dầu khí) đồng thời xuất khẩu sang thị trường này 7,71 tỉ đô la hàng hóa, số thâm hụt đã bằng một phần ba giá trị xuất khẩu. Indonesia không phải là một ngoại lệ vì tính chung toàn khối ASEAN trong chín tháng đầu năm ngoái, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã lên tới 64 tỉ đô la Mỹ dù trước đây ASEAN luôn có thặng dư chút ít.

Sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc không phải là chuyện mới. Nền sản xuất quy mô lớn được hỗ trợ đắc lực bởi đồng nhân dân tệ bị định giá thấp và chính sách khuyến khích xuất khẩu của chính phủ Bắc Kinh thông qua nhiều hình thức trợ cấp khác nhau đã giúp cho hàng hóa nước này tràn ngập thị trường thế giới, bóp chết nhiều ngành công nghiệp ở nhiều nước đang phát triển, nhất là khu vực Đông Nam Á.

Thế nhưng thua thiệt của Indonesia còn có những nguyên nhân nội tại, phần nào cũng điển hình cho nhiều quốc gia khác. Một là sự chi phối của các nhóm lợi ích muốn tiếp tục bảo hộ một số ngành sản xuất trong nước. Trong những tuần lễ trước khi ACFTA có hiệu lực, nhiều nhà sản xuất, hiệp hội ngành nghề... đã lớn tiếng thúc giục chính phủ phải hành động và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế. Hai là, sự thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành khiến cho tầm nhìn chiến lược của chính phủ bị hạn chế và khi đặt bút ký vào hiệp định ACFTA năm 2002, các nhà đàm phán Indonesia đã không lường trước được hậu quả vì không chú ý tới ý kiến của các bộ ngành liên quan. Ba là, do những bất ổn chính trị trước đây, Chính phủ Indonesia đã không chuẩn bị đủ cho các doanh nghiệp đương đầu với môi trường kinh doanh mới.

Nhận rõ những vấn đề này, trong bài phát biểu tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Indonesia hôm thứ Hai 25-1, Tổng thống Indonesia S. B. Yudhoyono đã nêu vấn đề thực hiện ACFTA lên thành thách thức thứ ba trong 13 thách thức mà đất nước này phải đối phó. “Chúng ta phải bảo vệ quyền lợi của nhân dân và chuẩn bị tốt hơn nhưng chúng ta cũng phải duy trì sự hợp tác chặt chẽ trong ASEAN và với các đối tác thương mại”, Tổng thống Yudhoyono nói. Ông cho rằng, Indonesia cần tăng cường sức cạnh tranh của công nghiệp địa phương chống lại sự tràn ngập của hàng hóa Trung Quốc trong lúc vẫn theo đuổi việc đàm phán lại một số dòng thuế.

Dự báo dệt may, da giày và đồ chơi trẻ em là các ngành sẽ bị thiệt hại nặng nhất khi thực hiện ACFTA; Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani nhận định và cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp các ngành này nếu cần thiết. Chính phủ Indonesia cũng sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm thuế, để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Một ủy ban đặc biệt của chính phủ cũng đã được thành lập nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc thực hiện ACFTA đối với nền kinh tế, chẳng hạn bảo vệ thị trường nội địa trước sự xâm nhập của hàng lậu, hàng nhái, giám sát việc cấp các chứng từ nhập khẩu, hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thị trường nội địa và xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương.

Chưa biết Indonesia có thành công hay không, song đây cũng là một bài học đắt giá cho các quốc gia khác trong ASEAN tham khảo.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn