Năm 2009 - một năm “đáng nhớ” đối với ngành tôm Việt Nam. Khối lượng xuất khẩu đạt gần 210 nghìn tấn với kim ngạch đạt trên 1,67 tỉ USD. So với năm 2008, tăng 9,4% về khối lượng (KL) 3% về giá trị (GT).
Trong số 4 mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm tôm, cá tra, cá ngừ và nhuyễn thể chân đầu thì tôm là mặt hàng duy nhất tăng trưởng trong năm 2009 đầy “giông bão” vừa qua.
Một năm nhìn lại, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường trên thế giới cũng có nhiều biến động. Mặc dù Nhật, Mỹ và EU vẫn là ba thị trường chính nhưng so với năm 2008, thị phần xuất khẩu tôm sang các thị trường này có thay đổi đáng kể.
Mỹ: Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 395 triệu USD, giảm 15,4% so với năm 2008, dẫn tới thị phần xuất khẩu sang thị trường này giảm từ 28,7% năm 2008 xuống còn 23,6%. Mỹ là nước khởi nguồn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ cuối năm 2008 nhưng nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ chỉ thật sự giảm sâu kể từ tháng 8/2009. Mức giảm liên tục duy trì ở 2 con số và kéo dài cho đến hết tháng 12. Ngoài yếu tố khan hiếm nguyên liệu trong nước, cũng có thể nói ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính dẫn tới suy thoái kinh tế khiến Mỹ gia tăng nhập khẩu tôm chân trắng từ Thái Lan do lợi thế về giá và kích cỡ phù hợp.
Nhật: Vẫn duy trì vị trí thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam với khối lượng nhập gần 57 nghìn tấn, kim ngạch đạt trên 493 triệu USD, nhưng năm 2009 lại là một năm “khá buồn” đối với nhiều nhà xuất khẩu tôm sang Nhật. Sau quý I, xuất khẩu tôm sang thị trường này liên tục sụt giảm cho đến hết tháng 11 dẫn tới xuất khẩu cả năm giảm 3,3% về lượng và 1% về giá trị. Thị phần xuất khẩu giảm từ 30,7% xuống còn 29,5% năm 2009. Kinh tế suy thoái mạnh, tiêu dùng trong nước giảm là nguyên nhân chính dẫn tới thị trường này giảm nhập khẩu tôm từ hầu hết các nhà cung cấp truyền thống như Việt Nam, Ấn Độ..
EU: Là thị trường duy nhất trong ba thị trường chính tăng trưởng khả quan trong năm 2009. Năm vừa qua, Việt Nam xuất 41 nghìn tấn tôm sang EU, thu về 281 triệu USD. So với năm 2008, lượng xuất khẩu tăng 26,5% và giá trị tăng hơn 20% kéo theo thị phần xuất khẩu tăng từ 14,4% lên 16,8% năm 2009. Cũng chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng không quá “trầm trọng” nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU chỉ sụt giảm trong 5 tháng đầu năm sau đó duy trì sức tăng trưởng mạnh trong suốt 7 tháng cuối năm. Mặc dù giá xuất khẩu tôm sang thị trường EU không cao như giá xuất sang Nhật và Mỹ nhưng không thể phủ nhận EU là thị trường rất vững vàng bởi đây là khối kinh tế vững chắc với đồng tiền euro mạnh và ổn định.
Trung Quốc: Năm 2008, Trung Quốc chỉ chiếm 3% thị phần xuất khẩu tôm Việt Nam thì sang đến năm 2009, Trung Quốc nhanh chóng gia tăng thị phần lên 5,7%. Có thể nói Trung Quốc là thị trường đáng chú ý nhất trong năm vừa qua bởi xuất khẩu tôm sang thị trường này chưa một lần tăng trưởng dưới 2 con số. Có tháng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng trưởng tới 3 con số như tháng 2 (+ 294% về KL và +270% về GT). Không quá khắt khe về chất lượng cộng với nhu cầu lớn về tôm cỡ trung và nhỏ để sản xuất hàng chế biến giá trị gia tăng chính là ưu thế của thị trường này. Trung Quốc đã trở thành thị trường “thay thế” hợp lý nhất cho năm 2009.
Hàn Quốc: Xuất khẩu tôm sang thị trường này năm 2009 cũng rất đáng ghi nhận. Khối luợng xuất khẩu tăng 35,3% (đạt 16.429 tấn), giá trị tăng 26,2% (đạt 107 triệu USD). Thị phần xuất khẩu sang nước này đã tăng từ 5,2% năm 2008 lên 6,4% năm 2009. Hàn Quốc vốn được coi là thị trường không quá khó tính về chất lượng sản phẩm nhưng họ cũng sẵn sàng áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt nếu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Ôxtrâylia: Không phải là một thị trường nổi bật nhưng cũng không thể không nhắc đến thị trường này trong bức tranh tổng thể xuất khẩu tôm trong năm 2009. Mặc dù, nước này vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với tôm nguyên liệu nhập khẩu nhưng trong bối cảnh Nhật giảm nhập khẩu thì Ôxtrâylia lại là điểm đến khác rất tiềm năng. Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu trên 8 nghìn tấn tôm sang Ôxtrâylia, thu về gần 72 triệu USD, tăng 9,2% về KL và 1,8% về GT. Một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Ôxtrâylia thừa nhận rằng giá xuất sang thị trường này khá cao và ổn định. Nếu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng thì đây là một thị trường không thể bỏ qua. (BNT)

Nguồn: http://www.vasep.com.vn