Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực trong 5 tháng đầu năm 2025. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Mỹ với giá trị kim ngạch đạt 3,9 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê từ Cục Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2025 đạt 1,4 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng 4/2025, nhưng tăng 5% so với tháng 5/2024; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 995,5 triệu USD, tăng 1,8% so với tháng 4/2025 và tăng 12,8% so với tháng 5/2024.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực trong 5 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng khả quan tạo đà cho ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm 2025. Trong đó, trị giá xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Canada và các thị trường trong khối EU vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Mỹ đạt 3,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2024; Nhật Bản đạt 859,1 triệu USD, tăng 26,7%; Trung Quốc đạt 707,3 triệu USD, giảm 20,2%; Hàn Quốc đạt 316 triệu USD, giảm 1,9%; Canada đạt 113,2 triệu USD, tăng 19,3%...

Cùng với xuất khẩu, Việt Nam cũng là nước tiêu thụ nhiều gỗ từ Mỹ. Cụ thể, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu trên dưới 9 tỷ USD gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường này thì ở chiều nhập khẩu, chúng ta nhập hơn 316 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ từ Mỹ vào Việt Nam. So với bình diện toàn thế giới, Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ nhiều gỗ và sản phẩm gỗ từ Mỹ…

Trong chuyến công tác tại Mỹ mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã gặp các đối tác lâm nghiệp của Mỹ và cho biết, Việt Nam cam kết sẽ tăng nhập gỗ nguyên liệu từ Mỹ để góp phần cân bằng hơn cán cân thương mại. Bên cạnh đó, khi mức thuế nhập khẩu đồ gỗ nội ngoại thất từ thị trường Mỹ từ mức 15-25% về 0%, con số này sẽ còn gia tăng.

Về thương mại gỗ với Trung Quốc, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), mỗi năm, Việt Nam nhập từ Trung Quốc khoảng 800 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ, chủ yếu là ván công nghiệp, gỗ ván lạng để sử dụng trong nước, nhưng Việt Nam cũng xuất khẩu vào Trung Quốc đến hơn 2,1 tỉ USD.

Ông Hoài cho hay, chúng ta vẫn xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Trung Quốc, chứ không phải nhập nhiều để lấy xuất xứ Việt Nam và gian lận xuất đi các nước hoặc cho doanh nghiệp của nước thứ ba nào đó biến Việt Nam thành bãi đáp để xuất khẩu sản phẩm gỗ vào Mỹ để lẩn tránh thuế.

Trong các cuộc điều tra, đặc biệt là cuộc điều tra về tủ bếp, gỗ dán, các đoàn kiểm toán, thanh tra của Mỹ để đến ngẫu nhiên một số doanh nghiệp Việt Nam nhưng không phát hiện ra bằng chứng về việc sản phẩm của nước thứ ba chuyển tải qua Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ nhằm tránh thuế. Do vậy, Mỹ mới quyết định đình chỉ điều tra về lẩn tránh thuế.

Trong bối cảnh thương mại hiện nay, câu hỏi đặt ra là ngành gỗ Việt Nam cần làm gì để giảm rủi ro? Ông Joe O’Donnell, Giám đốc phụ trách Chính phủ và Quan hệ công chúng Hiệp hội Sản phẩm gỗ Quốc tế Mỹ (IWPA) nhận định, nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu gỗ cứng từ Mỹ, đây sẽ là một lợi thế trong hồ sơ xuất xứ. "Doanh nghiệp Việt cần chủ động cung cấp thông tin cho người tiêu dùng Mỹ để gia tăng niềm tin và bảo vệ thị phần", ông Joe O’Donnell nhấn mạnh.

Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách thương mại tài chính lâm nghiệp, Tổ chức Forest Trends cho rằng, còn một số quan niệm chưa chuẩn xác về ngành gỗ Việt Nam như Việt Nam nhập khẩu gỗ rủi ro để chế biến xuất khẩu vào các thị trường lớn, nhưng thực tế hầu hết nhập khẩu phục vụ thị trường nội địa; lượng nhập khẩu giảm đáng kể trong những năm qua. Ngành gỗ Việt Nam cũng không phải là trung tâm trung chuyển của Trung Quốc, thực tế kim ngạch nhập khẩu mỗi năm khoảng 1 tỷ USD để phục vụ tiêu dùng nội địa.

Trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị, chúng ta cần phải chủ động cung cấp thông tin, tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin với thị trường xuất khẩu và các thị trường khác để họ hiểu đúng về ngành gỗ trong nước. Các hiệp hội ngành gỗ cân nhắc khả năng tham gia trực tiếp vào làm thành viên các hiệp hội gỗ quốc tế.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực từ phía nhu cầu của thị trường và lợi thế từ các hiệp định mang lại, nhưng ngành gỗ cũng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến động kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị và thay đổi các chính sách thương mại. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động ứng phó với các thách thức. Theo đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường là rất quan trọng.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết sức để đàm phán với Mỹ, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp ngành gỗ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang tích cực cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan phía Mỹ liên quan các vụ việc điều tra, phòng vệ thương mại. Ngành đang phối hợp với các đơn vị để sớm ban hành các thông tư mới liên quan đến: phân loại doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc lâm sản, phân vùng địa lý... Tất cả những quy định này dự kiến sẽ được ban hành ngay trong tháng này.

Nguồn: Báo Dân việt