Việc hội nhập WTO trong ba năm qua để lại một số bài học quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp và thương mại nông sản.


Nông nghiệp và thương mại nông sản là nền tảng của nền kinh tế


Sau ba năm hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và thu hẹp thị trường xuất khẩu trong hai năm 2008 và 2009, vai trò của ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản cho thấy một vị trí chiến lược quan trọng. Trong khi nền kinh tế năm 2008 suy giảm, thì tăng trưởng nông nghiệp được giữ vững đã tạo thế ổn định cho cả nền kinh tế. Nhiều năm qua, cán cân thương mại của Việt Nam luôn thâm hụt thì thương mại nông sản luôn ở tình trạng thặng dư. Chính vào những thời điểm cam go của nền kinh tế, nông nghiệp và xuất khẩu nông sản thể hiện rõ nhất vai trò trụ vững và lợi thế cạnh tranh căn bản của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sau hội nhập WTO xuất khẩu tiếp tục đối mặt với các rào cản kỹ thuật và áp lực của nhà sản xuất nước ngoài Đã từng có ảo tưởng cho rằng khi hội nhập WTO, cơ hội để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới sẽ trở nên dễ dàng. Điều này có thể đúng trên bình diện xu thế, nhưng không hoàn toàn đúng trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thế giới suy thoái. Xuất khẩu thủy sản những năm qua đã phải đương đầu với rất nhiều thách thức của hàng rào kỹ thuật hay các chương trình bài hàng nhập khẩu được dựng lên một cách vô tình hay cố ý. Hầu hết các rào cản này đều xuất phát từ vấn đề chất lượng đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Các chương trình phản đối các sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam không ngừng lan rộng từ Ai Cập tới Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Ý mà mới đây nhất là New Zealand.


Chưa chuẩn bị tốt về năng lực bảo vệ người tiêu dùng nội địa


Sau ba năm hội nhập WTO, những hạn chế về chế tài, về phân định chức năng nhiệm vụ của bộ máy triển khai, và năng lực con người và phương tiện của bộ máy triển khai đã làm cho Việt Nam đã gặp phải những thách thức rất lớn đối với các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thực tế hiện nay cho thấy tình trạng tồn dư các chất có hại cho sức khỏe con người trong rau quả rất cao; gia súc, gia cầm bệnh, chết vẫn được đưa vào các lò mổ lậu; sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi đang tái diễn. Ngoài ra, thực phẩm nhập khẩu thiếu kiểm soát chặt chẽ cũng dẫn đến chất lượng không được đảm bảo.


Mua bán các sản phẩm có mức giảm thuế nhập khẩu mạnh hơn cam kết WTO


Việt Nam đã cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu mạnh hơn và nhanh hơn mức cam kết theo lộ trình cho dù trước đó khi đàm phán Việt Nam đã nỗ lực để nâng được mức thuế suất lên cao hơn cho nhóm mặt hàng thịt để bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, họ giải thích quyết định giảm thuế là nhằm đảm bảo nguồn cung thịt và thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt rét đậm, rét hại vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Tuy nhiên, ngay sau khi thuế suất được giảm xuống nhanh và dưới cả mức cam kết, lượng nhập khẩu các sản phẩm thịt gia cầm của Việt Nam đã tăng mạnh và gây áp lực mạnh lên ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, trong đó chủ yếu là các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi gia cầm ở khu vực nông thôn. Rất có thể, trong tương lai áp lực nhập khẩu sẽ đặc biệt tăng mạnh khi các hãng bán lẻ nước ngoài thâm nhập ngày càng mạnh vào thị trường Việt Nam.
Đứng trước tình hình đó, ngày 3-10-2008, Bộ Tài chính đã phải quyết định tăng thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng. Như vậy, việc điều chỉnh thuế vượt cam kết là cần thiết để đạt được cân đối cung cầu của thị trường nội địa. Tuy nhiên để đảm bảo sự phát triển của ngành hàng nội địa trước áp lực cạnh tranh bên ngoài các nhà hoạch định chính sách nên theo dõi sát tình hình để có sự điều chỉnh linh hoạt, nhất là về thuế quan, ngay cả trong ngắn hạn.


Bảo hộ không dẫn đến hiệu quả


Ngành mía đường Việt Nam đã được hỗ trợ rất lớn bởi chương trình 1 triệu tấn đường giai đoạn 1995-2000 và các biện pháp bảo hộ phi thuế trước khi vào WTO. Lượng hạn ngạch nhập khẩu duy trì ở mức 58.000-61.000 tấn. Thuế trong hạn ngạch 25-40%, nhưng mức thuế ngoài hạn ngạch lên đến 80-100%. Mục tiêu dài hạn nhằm để hiện đại hóa ngành hàng và đảm bảo cho Việt Nam tự cân đối cung cầu với mặt hàng chiến lược này. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua Việt Nam đã phải trả giá khá đắt khi lượng tiền đầu tư và các ưu đãi của Nhà nước chưa chứng minh được hiệu quả của ngành công nghiệp mía đường, người tiêu dùng Việt Nam luôn phải trả mức giá cao hơn gần gấp đôi người tiêu dùng thế giới. Tình hình giá đường trong những tháng vừa qua là minh chứng rõ nhất cho sự thất bại của chính sách bảo hộ này.
Để hội nhập tốt hơn

Những bài học của hội nhập WTO trong ba năm qua cho thấy Việt Nam cần phải có những điều chỉnh cả về mặt thể chế và chính sách. Có một số ưu tiên Việt Nam nên thực hiện để giúp cho quá trình hội nhập hiệu quả hơn trong tương lai như sau:
• Công cụ thuế quan nên được sử dụng mềm dẻo và phản ứng nhanh đảm bảo các lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Nên áp dụng mức cam kết và lộ trình thực hiện, có thể điều chỉnh tùy theo tình hình, tuy nhiên cần có phân tích đánh giá ảnh hưởng trước khi quyết định “vượt rào” và giám sát tình hình thực tiễn khi đang áp dụng để có điều chỉnh kịp thời.
• Các biện pháp phi thuế quan cần được sử dụng dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ khối lượng hạn ngạch đảm bảo các mục tiêu như: (i) Đảm bảo cân đối cung cầu; (ii) Điều chỉnh linh hoạt tùy theo tình hình thị trường; và (iii) Bảo hộ nhưng cần tăng cường cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành để cải thiện hiệu quả và người tiêu dùng được hưởng lợi.
• Tăng đầu tư dịch vụ công về thông tin giám sát thị trường (trong nước và quốc tế) cho các doanh nghiệp. Rất cần xây dựng đội ngũ tư vấn về hội nhập để giúp cho các chiến lược hội nhập dài hạn và cả các phản ứng chính sách trong ngắn hạn dựa trên cơ sở khoa học, tránh các rủi ro và tổn thất không đáng có.
• Phổ biến thông tin về WTO cho doanh nghiệp, không chỉ có các cam kết của Việt Nam mà cả các dự báo tác động nhập khẩu và cơ hội về mở rộng thị trường - giảm thuế thị trường nhập khẩu của các nước đối với hàng Việt Nam.
• Cần có phân tích đánh giá về tác động của việc mở cửa mạng lưới bán lẻ với tình hình nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn