Nhìn lại quãng đường sau ba năm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Giám đốc Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III, cho rằng còn nhiều việc phải làm để nền kinh tế có thể thực sự hội nhập với nền kinh tế thế giới. 

TBKTSG Online: Liệu có thể “đo đếm” được những tác động ở cả hai mặt của quá trình hội nhập quốc tế đối với một nền kinh tế đang mở như Việt Nam không, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Có thể khẳng định gia nhập WTO có cả tác động tích cực và tiêu cực, nhưng về tổng thể là tích cực; tuy nhiên Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập.

Dưới áp lực của đàm phán hội nhập và thực thi cam kết sau khi gia nhập WTO, quá trình hình thành đồng bộ các yếu tố của cơ chế thị trường đã có những chuyển biến tích cực. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể nhờ hệ thống chính sách đã trở nên minh bạch, nhiều biện pháp bảo hộ (quản lý giá, trợ cấp xuất khẩu, độc quyền xuất nhập khẩu) được bãi bỏ, tạo thuận lợi cho việc hình thành một sân chơi bình đẳng cho mọi đối tượng kinh tế, thúc đẩy đổi mới kinh tế. Các thành tố của hệ thống thị trường đã hiện diện. Việt Nam đã có đủ sáu thị trường là thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính tiền tệ, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học. Đây cũng là một thành tựu đáng kể.

Việc tự do hóa thương mại theo các quy định chung của WTO đã buộc nền kinh tế trong nước phải có những điều chỉnh phù hợp để đáp ứng cho việc sản xuất tiêu dùng trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp đã phần nào ý thức được sự cần thiết của việc không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp thị, tìm kiếm thị trường mới, duy trì và mở rộng thị phần tại những thị trường truyền thống. Từ đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung sẽ được nâng lên đáng kể.

Bà vừa phân tích một số tác động tích cực, thế còn mặt tiêu cực, thưa bà?

- Mở cửa thị trường khi hội nhập, Việt Nam ít nhiều đã bị tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn yếu, trình độ lao động thấp, tỷ trọng kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài, sức đề kháng và ứng phó khủng hoảng còn hạn chế, doanh nghiệp Việt Nam bị động trước diễn biến của thị trường quốc tế, kinh tế Việt Nam trong năm 2009 đã cho thấy những suy giảm rõ rệt…

Nhập khẩu tăng cao càng làm cho thâm hụt thương mại lớn thêm. Phân hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp xã hội ngày càng rõ rệt. Cơ chế hành chính cồng kềnh và những tồn tại cố hữu trong quy trình quản lý điều hành kinh tế vĩ mô cũng là một trở ngại trong việc thực thi các cam kết WTO và tận dụng những cơ hội mà việc gia nhập tổ chức này mang lại. Việc cải cách, điều chỉnh chính sách, pháp luật chưa được thực hiện một cách đồng bộ, dẫn tới một số quy định vẫn còn chưa phù hợp với cam kết WTO. 

Có nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế tư nhân cần phải đóng một vai trò tích cực hơn nhưng các báo cáo gần đây của một số tổ chức đều chỉ ra nhiều điểm yếu của khu vực này: điều hành theo kiểu gia đình, quy mô nhỏ; năng lực quản trị yếu; thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn; tính minh bạch chưa cao… Nhìn từ góc độ cạnh tranh quốc tế, theo bà chính sách vĩ mô đối với khu vực này cần được cải thiện ra sao?

- Trước những yếu kém nói trên của khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập, chính sách của nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để khu vực này phát triển mạnh và trở thành lực lượng quan trọng trong phần lớn các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu để trở thành đối tác và đối trọng của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, cần có sự phân công và hợp tác, cạnh tranh mới giữa ba lực lượng doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân); trong đó, doanh nghiệp tư nhân cần mở rộng tối đa về số lượng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và vai trò trong phát triển các ngành phụ trợ, dịch vụ kinh doanh, hậu cần... Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh hệ thống hỗ trợ, liên kết doanh nghiệp thông qua tháo gỡ sớm rào cản đối với doanh nghiệp; thiết kế và thực hiện các chính sách và công cụ hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với các ưu tiên phát triển và cam kết quốc tế. Tạo thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, xã hội hóa các dịch vụ công, cải thiện dịch vụ hạ tầng, giáo dục đào tạo, thông tin, và tạo thuận lợi cho các liên kết doanh nghiệp (clusters) ngành, vùng, làng nghề…

Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần được tăng cường, không chỉ trong vai trò là cầu nối cho các doanh nghiệp thành viên mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước, mà còn là nơi lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên để kịp thời kiến nghị lên các cơ quan thẩm quyền nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Vai trò của dự án MUTRAP III được thể hiện như thế nào trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp?

- Nhận thức được vai trò quan trọng của các hiệp hội doanh nghiệp, khi thiết kế dự án MUTRAP III, Bộ Công Thương và phái đoàn EU tại Việt Nam đã có một hợp phần và dành ngân sách 1,7 triệu euro với mục tiêu tăng cường khả năng điều phối của Bộ Công Thương đối với các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo để xây dựng một chiến lược hội nhập thương mại nhất quán, bền vững về mặt xã hội và môi trường.

Đến nay đã có sáu đơn vị (Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Đại học Ngoại thương và Đại học Luật) với bảy dự án đã được EU tài trợ thông qua dự án MUTRAP.

Xin cảm ơn bà.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn