Các doanh nghiệp xi măng Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng, khi những yêu cầu mới từ thị trường xuất khẩu đang buộc doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang công nghệ xanh.

Sự phục hồi nhẹ trong sản xuất và tiêu thụ nội địa trong quý I/2025 là tín hiệu tích cực, nhưng vẫn chưa đủ để xua tan những thách thức mang tính cơ cấu như dư cung kéo dài, chi phí sản xuất leo thang và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh này, “xanh hóa” sản xuất không còn là lựa chọn, mà đã trở thành con đường sống còn cho ngành xi măng nếu muốn duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, quý I/2025 ghi nhận tiêu thụ nội địa đạt hơn 15,56 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, nhờ một phần từ đà giải ngân đầu tư công và những tín hiệu phục hồi từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp so với tiềm năng, trong khi thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Tổng sản lượng tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu trong ba tháng đầu năm đạt gần 24 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu trong tháng 3 đạt hơn 3 triệu tấn – tăng 7% so với cùng kỳ – nhưng vẫn phải đối mặt với áp lực lớn từ chi phí logistics tăng cao do giá dầu thô duy trì ở mức cao, cùng với những rào cản môi trường ngày càng khắt khe từ các thị trường quốc tế.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất hiện nay chính là việc Liên minh châu Âu (EU) triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chính sách đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu có cường độ phát thải cao. Dù tỷ trọng xi măng xuất khẩu của Việt Nam sang EU hiện chỉ chiếm khoảng 1–2% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành, nhưng tác động của CBAM là mang tính lan tỏa và dài hạn. Nếu các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Đông cũng lần lượt áp dụng các cơ chế tương tự, sức ép lên doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể. Dự báo đến năm 2030, chi phí CBAM có thể lên đến 25–30 EUR cho mỗi tấn xi măng, tương đương 600.000–700.000 đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận và sức cạnh tranh. Nếu duy trì mức xuất khẩu hiện tại, ngành xi măng Việt Nam có thể phải gánh khoản chi phí từ 300–400 tỷ đồng mỗi năm chỉ để “mua vé” vào thị trường EU.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi công nghệ để giảm phát thải carbon không chỉ là yêu cầu về mặt kỹ thuật mà còn là điều kiện để tiếp cận thị trường. Đại diện một doanh nghiệp xi măng chia sẻ rằng, họ đang đặt mục tiêu giảm ít nhất 15% lượng phát thải CO₂ đến năm 2030. “Đó không còn là lựa chọn, mà là con đường duy nhất để giữ được thị phần xuất khẩu. Chúng tôi không thể ký hợp đồng dài hạn với đối tác nếu không chứng minh được cường độ phát thải CO₂/tấn sản phẩm ở mức cho phép,” vị này nhấn mạnh.

Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, nhiều doanh nghiệp xi măng trong nước đã bắt đầu đầu tư mạnh vào công nghệ hiện đại, tự động hóa và số hóa toàn bộ chuỗi sản xuất – từ nguyên liệu đầu vào, vận hành lò nung đến quản lý chất lượng và logistics. Các hệ thống điều khiển giám sát như SCADA, DCS và mạng lưới IoT giúp thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực, từ đó tối ưu hóa hiệu suất vận hành và kiểm soát phát thải. Trong quá khứ, việc điều chỉnh chất lượng bê tông, thời gian trộn hoặc vận chuyển còn phụ thuộc vào cảm quan và kinh nghiệm, dễ dẫn đến sai sót. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, những yếu tố này được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch.

Ngoài ra, quá trình số hóa còn mở rộng ra cả hệ thống bán hàng và vận chuyển. Các nền tảng thương mại điện tử B2B như VICEM eXpress cho phép đại lý, nhà phân phối đặt hàng, theo dõi giao hàng và thanh toán trực tuyến. Nhờ đó, doanh nghiệp vừa nâng cao trải nghiệm khách hàng, vừa giảm thiểu tồn kho và tăng vòng quay vốn – điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nguồn cung vẫn vượt cầu.

PGS.TS Lương Đức Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam – nhận định rằng mức tiêu thụ xi măng hiện tại của Việt Nam, chưa tới 650 kg/người/năm, vẫn thấp so với tiềm năng. Tại các quốc gia có GDP bình quân đầu người trên 4.000 USD, con số này có thể vượt 1.000 kg/người/năm. Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn cho thị trường nội địa, đặc biệt khi nhu cầu đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà ở và phát triển công nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng ấy và giữ vững vị thế xuất khẩu, ngành xi măng Việt Nam cần một chiến lược “xanh hóa” toàn diện, từ công nghệ sản xuất đến chuỗi cung ứng và quản lý phát thải. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và đầu tư vào công nghệ giảm phát thải sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản CBAM, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí dài hạn và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường toàn cầu.

Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp hội nhập