Những nỗ lực từ phía Việt Nam trong việc thương thảo về thuế quan với Mỹ, mang lại nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp. Để chủ động ứng phó với những biến động của thị trường, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng đẩy mạnh sản xuất để kịp cho những đơn hàng đã ký kết.

Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào các cuộc đàm phán thuế song phương hoặc đa phương từ phía Nhà nước sẽ sớm mang lại một chính sách thuế ổn định, minh bạch và dài hạn. Chỉ khi đó, hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu mới có thể phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro từ các biến động chính sách.

Việc chính phủ Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 46% trong vòng 90 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là khoảng thời gian quan trọng để doanh nghiệp chủ động thích ứng trước khi chính sách mới có hiệu lực.

Ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành, Công ty cổ phần may Đáp Cầu, tỉnh Bắc Ninh cho biết, bên cạnh việc đàm phán với các đối tác để cùng chia sẻ rủi ro, thì doanh nghiệp cũng chủ động mở rộng thị trường và tìm kiếm thêm khách hàng mới để việc sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

"Doanh nghiệp chúng tôi cũng nhận được sự chỉ đạo của Tập đoàn nên chúng tôi bình tĩnh, đàm phán với khách hàng, tích cực sản xuất để đáp ứng cho khách hàng. Chúng tôi đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất lao động và yêu cầu người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quyết tâm thực hiện xuất hàng đầy đủ cho khách hàng trong 90 ngày này" - ông Thăng cho biết thêm.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, về lâu dài, cùng với việc đa dạng hóa thị trường, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa khách hàng cũng như các mặt hàng xuất khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường trọng điểm. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tập trung vào công nghệ cũng như chuyển đổi số, robot hóa dây chuyền sản xuất đáp ứng sự đa dạng về đơn hàng đòi hỏi thời gian ngắn hơn và chất lượng tốt hơn.

Nguồn: VOV