Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát thông tin đăng tải trên báo Tiền Phong về tình trạng doanh nghiệp Việt hạ giá gạo để trúng thầu xuất khẩu sang thị trường Indonesia. 

Trong văn bản Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình báo chí phản ánh để có giải pháp xử lý phù hợp. Trường hợp vượt thẩm quyền, các bộ, ngành cần báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.

Trước đó, báo Tiền Phong có bài "Doanh nghiệp Việt phá giá, giành đơn xuất khẩu gạo?" phản ánh về việc một số doanh nghiệp Việt trả giá thầu thấp để trúng đơn hàng xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia.

Cụ thể, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố thông tin nhập khẩu gạo tháng 5 của nước này. Kết quả cho thấy trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời trúng thầu 2 lô với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu (giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn).

Công ty Thuận Minh (trúng thầu 30.000 tấn), là đơn vị có giá chào thấp nhất trong số các doanh nghiệp dự thầu (chỉ 564,5 USD/tấn). Nếu so giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời thấp hơn đến 24 USD/tấn, còn Công ty Thuận Minh thấp hơn 22,5 USD/tấn.

Trong khi đó, khối lượng 60.000 tấn còn lại thuộc các doanh nghiệp sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu từ 621,5 - 629 USD/tấn. Doanh nghiệp giảm giá gạo nhiều nhất so với giá chào thầu cũng chỉ 4 USD/tấn. Đối thủ xuất gạo lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan có mức giá chào thầu thấp nhất cũng 649 USD/tấn. Trong đó, hai doanh nghiệp Thái khác lần lượt có giá chào thầu là 656,5 và 658,5 USD/tấn.

Nguồn: Báo điện tử Tiền Phong