Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng phản đối việc hạn chế thương mại ô tô khi Liên minh châu Âu tiến gần hơn đến việc áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thủ tướng Scholz cho rằng ngành công nghiệp ô tô Đức đang hưởng lợi từ việc kinh doanh ở Trung Quốc và sẽ có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nếu thương mại vẫn "công bằng và tự do".

Phát biểu tại một sự kiện do thương hiệu ô tô Opel của Stellaantis tổ chức ở thành phố Ruesselsheim, Đức vào ngày 8/6, Thủ tướng Scholz lưu ý: "Sự cô lập và các rào cản hải quan bất hợp pháp - điều đó sau cùng chỉ khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn và mọi người trở nên nghèo hơn". "Chúng tôi không đóng cửa thị trường của mình với các công ty nước ngoài vì chúng tôi cũng không muốn điều đó xảy ra với các công ty của mình", người đứng đầu chính phủ Đức nhấn mạnh.

Trước đó, ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh của Đức đã lên tiếng phản đối thuế quan vì cho rằng hoạt động kinh doanh của họ với Trung Quốc sẽ đảm bảo việc làm tại quê nhà. Cách đây ít ngày, cựu giám đốc điều hành của Volkswagen Herbert Diess đã chỉ trích rằng một cuộc xung đột thương mại leo thang sẽ thúc đẩy lạm phát và trì hoãn quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế sạch hơn.

Thủ tướng Scholz cho biết ngành công nghiệp ô tô nên tiếp tục chuyển sang sử dụng năng lượng pin để đảm bảo duy trì sức cạnh tranh trong những năm tới.

"Nghi ngờ tiến độ, trì hoãn đổi mới và chuyển đổi - điều đó sẽ gây ra hậu quả cay đắng", Thủ tướng Đức nói. Đồng thời, ông lưu ý: "Nếu chúng ta làm điều đó, những người khác sẽ vượt qua chúng ta".

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang gặp khó khăn trong việc đối phó với làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc, trong bối cảnh doanh số bán xe điện đang chậm lại ở châu Âu và các hãng xe châu Âu bao gồm Volkswagen và Mercedes-Benz đang điều chỉnh kế hoạch ra mắt sản phẩm.

Theo Bloomberg, sau cuộc điều tra trợ cấp xe điện của Trung Quốc, EU dự kiến sẽ công bố cho các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc sớm nhất là vào tuần tới rằng họ có áp dụng thuế quan tạm thời từ ngày 4/7 để tăng thuế nhập khẩu lên trên mức 10% hiện nay.

Brussels cho biết họ đang phản ứng quyết đoán hơn với những gì họ coi là thương mại không công bằng và các hành vi bóp méo thị trường, trong bối cảnh Bắc Kinh trợ cấp xuất khẩu và tích cực ủng hộ các công ty trong nước hoạt động ở các lĩnh vực quan trọng. EU đã mở các cuộc điều tra trong các lĩnh vực từ việc mua sắm thiết bị y tế của Trung Quốc cho đến việc các công ty Trung Quốc đấu thầu các dự án năng lượng ở EU.

Các biện pháp thuế quan của EU được xác định sẽ gây tổn hại cho các công ty xe điện Trung Quốc, bao gồm BYD, SAIC và Geely, nhưng cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất phương Tây đặt nhà máy ở Trung Quốc và xuất khẩu ô tô sang châu Âu, đơn cử như Tesla và BMW. Mặc dù thuế quan có thể giúp các thương hiệu nội địa châu Âu bảo vệ sân nhà của họ, nhưng chúng có khả năng sẽ kích động sự trả đũa từ Bắc Kinh, gây tổn hại cho chính hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc.

Bloomberg đưa tin, Bắc Kinh đã ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng áp dụng các mức thuế trả đũa đối với ô tô có động cơ dung tích lớn do EU sản xuất, một động thái sẽ tác động nặng nề nhất đến ba hãng xe sang Mercedes-Benz, Porsche và BMW của Đức.

Nguồn: Báo Đầu Tư