Doanh nghiệp đang rất hoang mang, bởi nếu không kiến nghị sửa đổi quy định, thì nhiều lô hàng, đơn hàng của doanh nghiệp không thể xuất khẩu được, chưa kể rủi ro vi phạm treo trên đầu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phân trần như vậy với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc làm việc đầu tháng 6/2024, khi phải nhắc tới hai nghị định vừa có hiệu lực chưa đầy một tháng. Các doanh nghiệp đã gửi kiến nghị tương tự tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước thời điểm các quy định nói trên có hiệu lực. Nhưng đã hơn một tháng, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Thực tế, theo yêu cầu của nhiều thị trường, doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm hải sản phối trộn (seafood mix), hay những sản phẩm tạo giá trị gia tăng như hải sản xiên que, với nhiều loại cá khác nhau. Nhưng thực hiện quy định mới, đơn hàng hải sản xiên que sẽ có cách giao hàng rất khác. Các miếng cá sẽ phải tách ra khỏi que, phân loại miếng cá nào có nguồn gốc nhập khẩu thì đóng vào 1 container riêng; miếng cá nào từ nguồn khai thác trong nước sẽ đóng vào container khác, kèm với số que để xiên.

Khi các container riêng rẽ cập bến, khách hàng sẽ tự lấy 2 loại cá xiên vào que để thành sản phẩm “hải sản xiên que” theo đúng quy cách.

Tương tự, yêu cầu giao 1 container 10 tấn cá ngừ, 5 tấn cá phèn và 5 tấn cá nục của khách sẽ không thực hiện được, vì cá ngừ có nguồn gốc nhập khẩu, còn cá phèn, cá nục được thu mua từ ngư dân trong nước, bởi không thể “trộn lẫn” trong cùng “một lô hàng xuất khẩu”, mà phải đi theo container riêng…

Những giả định vô cùng phi lý nêu trên, không thấy có ở các nước đang cùng xuất khẩu thủy sản vào Liên minh châu Âu (EU), nhưng lại là phần việc mà các hội viên của VASEP phải làm để tuân thủ quy định “không được trộn lẫn nguyên liệu trong cùng một lô hàng xuất khẩu” theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản (có hiệu lực từ ngày 19/5/2024) và Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (có hiệu lực từ ngày 20/5/2024). 

Cũng phải nói thêm, hai nghị định trên được ban hành trong nỗ lực của Chính phủ nhằm gỡ thẻ vàng về khai thác IUU (hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý) cho thủy sản Việt Nam. Đây cũng là lý do, Ủy ban châu Âu (EC) lùi thời hạn kiểm tra sang cuối quý III, đầu quý IV năm nay, thay vì tháng 5/2024, tạo điều kiện cho Việt Nam triển khai nhóm khuyến nghị về thực thi pháp luật mà EC đã đưa ra đối với Việt Nam trong lần kiểm tra vào tháng 10 năm ngoái.

Các doanh nghiệp đều đồng thuận và cam kết song hành cùng nỗ lực này, vì đây là việc phải làm. Song điều mà VASEP đang đại diện các doanh nghiệp đặt ra, là có cách quản lý nào hợp lý, vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu của châu Âu, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hay không.

Thực tế, đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy - hải sản, việc sản xuất ra thành phẩm của một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau, gồm khai thác nội địa hay nhập khẩu, là hoàn toàn bình thường, là thông lệ trong giao thương quốc tế hiện nay. Điều kiện quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần phải tuân thủ là các nguyên liệu được chứng minh là vi phạm quy định về IUU, được kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và có đủ giấy tờ cần thiết để xuất khẩu.

Rõ ràng, nếu không có định nghĩa, giải thích thế nào là “trộn lẫn nguyên liệu” và thế nào là “cùng một lô hàng xuất khẩu”, thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro rất lớn. Rủi ro này đến từ việc gia tăng chi phí logistics, cước vận chuyển đường biển, chi phí quản lý, thông quan và cả chi phí nhân lực…, cùng nguy cơ mất đơn hàng do cách làm không giống ai.

Trong trường hợp này, chi phí tuân thủ thực sự quá đắt! Đáng nói hơn, đây không phải là ví dụ đơn lẻ.

Nguồn: Báo Đầu Tư