Việt Nam hiện không còn là thiên đường cho những ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng về đất đai hay năng suất lao động thấp, giá nhân công không còn rẻ, cho nên, việc chuyển dịch đầu tư từ nay trở đi cũng là bình thường.

Ngành dệt may, da giày, hiện nay đang lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài, nên gần đây xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài đang chuyển dịch ngành này ra một nước khác. Đây là thực tế được đại diện ngành Công thương thừa nhận.

" Việt Nam đến thời điểm này không còn là thiên đường cho những ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng về đất đai hay năng suất lao động thấp, giá trị nhân công rẻ", là khẳng định của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề cập về chủ động nguồn nguyên phụ liệu trước băn khoăn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tại phiên chất vấn hôm 4/6.

Theo ông Diên: "Sản phẩm dệt may, da giày trong khoảng 10 năm vừa qua luôn chiếm tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu rất lớn, ngành này đã đóng góp cho giá trị tăng trưởng của xuất khẩu, đóng góp trong việc giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, ở một chừng mực nào đó trong giai đoạn đầu cách đây khoảng 10 năm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế".

Do Việt Nam không còn là thiên đường cho những ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng về đất đai hay năng suất lao động thấp, giá trị nhân công rẻ, cho nên, việc chuyển dịch của những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp dệt may, da giày sang các nước khác ở thời điểm này trở đi, theo Bộ trưởng Công thương cũng là việc bình thường.

Không chỉ riêng ngành dệt may, da giày, tất cả những ngành sản xuất khác để xuất khẩu của Việt Nam đều phải đặt mục tiêu là phải làm chủ nhiều hơn trong khâu cung ứng về nguyên liệu. Nếu cứ nhập các nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất, suy cho cùng  chỉ làm gia công, khi đó giá trị sinh lợi không lớn, hiệu quả không cao.

Bộ Công thương đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa qua nước ta đã có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực công thương chúng tôi có 4 quy hoạch ngành quốc gia, đó là quy hoạch về năng lượng, quy hoạch về điện, quy hoạch về xăng dầu, khí đốt quốc gia và quy hoạch về khai thác, chế biến khoáng sản.

Bộ trưởng Công thương cho rằng, 4 quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản này đều là những lĩnh vực có thể sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, xuất khẩu, đồng thời sẽ đóng góp cho nguồn thu cho ngân sách của các địa phương và nguồn thu ngân sách quốc gia.

Do đó, trong tương lai không chỉ là ngành dệt may mà tất cả các ngành sản xuất khác để xuất khẩu, phải cố gắng khai thác các nguyên liệu tại chỗ bằng cách khai thác tài nguyên khoáng sản tại chỗ để chúng ta từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu này và nâng giá trị của sản phẩm xuất khẩu, chứ không phải chỉ là giá trị gia công như giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may đạt 33,3 tỷ USD, giảm 11,4% so với năm 2022. Xơ sợi dệt các loại đạt 4,4 tỷ USD, giảm 7,6%, đưa xuất khẩu toàn ngành năm qua đạt khoảng 40 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày đạt 24 tỷ USD, giảm 14,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 20,2 tỷ USD, giảm 15,3%, chiếm 5,7% tổng xuất khẩu của cả nước, xuất khẩu mặt hàng túi xách, vali, mũ, ô dù đạt 3,78 tỷ USD, giảm 7,8% so với năm 2022. 

Ở chiều ngược lại, để đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu của 2 ngành này vẫn lên tới vài chục tỷ USD mỗi năm. Tỷ lệ nội địa hóa của 2 ngành công nghiệp xuất khẩu dệt may - da giày theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương hiện đạt 45-50%.

Nguồn: Báo Đầu Tư