Công chức, viên chức Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sôi nổi học tập, tìm hiểu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý công việc hàng ngày.

Nhằm cung cấp các kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI), mới đây, trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam tổ chức Chương trình đào tạo cho cấp quản lý và cơ quan nhà nước với chủ đề: Trí tuệ nhân tạo cho tổ chức.

Phát biểu khai mạc khoá đào tạo, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết, các công chức, viên chức hiện đang công tác ở Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có chuyên ngành đào tạo liên quan đến thương mại điện tử, công nghệ thông tin và nhiều chuyên ngành khác. Tuy nhiên, nhận thức về yêu cầu của bối cảnh hiện nay, với sự bùng nổ về công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), các công chức, viên chức của Cục luôn mong muốn được học hỏi để ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử và kinh tế số trong việc xử lý các công việc chuyên môn và trong công tác đào tạo.

Bà Lê Hoàng Oanh hi vọng, những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao tại khóa đào tạo, qua sự hướng dẫn, chia sẻ đầy tâm huyết của các chuyên gia đến từ Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, sẽ giúp các công chức, viên chức Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trang bị thêm những kiến thức về AI, từ đó, ứng dụng hiệu quả hơn trong công việc hàng ngày.

Trao đổi với các học viên tham dự khoá đào tạo, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam đã diễn giải lý do vì sao cả thế giới đã thừa nhận: Cuộc cách mạng AI là cuộc cách mạng toàn diện và triệt để.

Về việc ứng dụng AI trong quản lý nhà nước, ông Nguyễn Xuân Hoài cho biết, vào năm 2022, 40 trên 62 nước công bố chiếc lược AI quốc gia, đặt trọng tâm của việc ứng dụng AI trong các đơn vị quản lý nhà nước và hành chính công. Tại Việt Nam, Chiến lược AI quốc gia Việt Nam được công bố theo Quyết định 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 xác định “AI góp phần xây dựng xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững…”.

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, AI đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ làm thay đổi toàn diện các hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, từ năm 2020, theo số liệu của Gartner, 80% công tác chăm sóc khách hàng trong các hệ thống e-Commerce được tự động hóa và thay thế bởi AI. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, AI đã cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa; góp phần cải tiến sản phẩm và dịch vụ; cải thiện hiệu suất website; ứng dụng cho chuỗi cung ứng; ứng dụng cho Sales và Marketing; tăng cường sức mạnh cho các công cụ bảo mật, bảo vệ an toàn dữ liệu và hệ thống cho các hệ thống e-Commerce.

Không chỉ lĩnh vực thương mại điện tử, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam nhấn mạnh, AI hiện nay đã được ứng dụng rộng khắp mọi mặt của cuộc sống và tác động thay đổi con người, quan hệ xã hội, thế giới. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài cho biết, AI cũng đã từng gây ra các sai lệch, thiệt hại trong sử dụng thực tế, vì vậy, cần có quan điểm đúng đắn và có sự kiểm chứng khi ứng dụng AI trong quản lý.

Lưu ý với các học viên của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về những thách thức, rủi ro khi triển khai AI trong thực tế, Viện trưởng Nguyễn Xuân Hoài cho rằng, đó là những thách thức, rủi ro đến từ dữ liệu, hệ thống, giám sát, quản trị, con người, văn hóa doanh nghiệp và từ môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, Viện trưởng Nguyễn Xuân Hoài tập trung làm rõ những rủi ro về triển khai AI trong quản lý nhà nước vì có thể xâm phạm quyền tự chủ, tự quyết của công dân; xâm hại dữ liệu và quyền riêng tư của công dân; rủi ro về tính minh bạch, giải thích, pháp quyền; rủi ro về công bằng và bình đẳng; an ninh, an toàn; rủi ro về tính giải trình và pháp lý; rủi ro đến từ việc “quá vội vàng và quyết liệt trong triển khai”…

Nhắc đến mối quan hệ biện chứng giữa đạo đức và pháp luật theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Pháp luật là “đạo đức tối thiểu”, đạo đức là “pháp luật tối đa”, Viện trưởng Nguyễn Xuân Hoài khẳng định, đạo đức AI là nền tảng cho việc xây dựng luật để giám sát, kiểm soát, chế tài các ứng dụng AI trong thực tế. Trong khi đó, pháp luật cho AI phụ thuộc vào hiến pháp, pháp luật và trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, với mọi quốc gia, mọi tổ chức, muốn phát huy vai trò của AI phải gắn AI với đạo đức và pháp luật.

Tại khoá học, các công chức, viên chức Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã sôi nổi thảo luận cùng các diễn giả các vấn đề liên quan đến AI và làm thế nào có thể ứng dụng thực tế trong công tác quản lý, điều hành hiện nay. Cùng với đó, trong phần minigame của khóa đào tạo, các học viên đã tham gia sôi nổi, hào hứng, cho thấy sức “nóng” và sự hấp dẫn của chủ đề AI rất lớn.

Kết thúc Chương trình đào tạo, các công chức, viên chức của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được nhận Chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về AI - ChatGPT.

Nguồn: Báo Công Thương