Đạo luật an ninh lương thực của Trung Quốc đặt ra tham vọng 'tự chủ tuyệt đối' về lương thực - vấn đề được coi là sống còn đối với quốc gia có hơn 1,4 tỉ dân.

Từ ngày 1-6, luật an ninh lương thực đầu tiên của Trung Quốc chính thức có hiệu lực nhằm củng cố nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực nước ngoài. Việc đạo luật được gấp rút thông qua vào cuối năm 2023, chỉ sáu tháng sau lần đọc đầu tiên, cho thấy tính cấp thiết trong việc giải quyết các vấn đề cản trở sản xuất. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi các chính sách hiện tại không giải quyết được gốc rễ của vấn đề là năng suất.

Thực phẩm của người dân Trung Quốc phải được sản xuất và nằm trong tay người Trung Quốc.

Đài CCTV dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH

Ưu tiên hàng đầu

Đảm bảo an ninh lương thực luôn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc. Phải nuôi gần 1/10 dân số thế giới chỉ với 9% diện tích đất canh tác trên toàn cầu, nước này phải đối mặt nhiều thách thức khác nhau trong việc đảm bảo an ninh lương thực, bao gồm nhu cầu ngũ cốc ngày càng tăng cũng như đất canh tác không đủ và chất lượng thấp, thiếu nước, lao động và công nghệ.

Luật an ninh lương thực đầu tiên của Trung Quốc hy vọng sẽ giúp giải quyết những vấn đề này, trong đó nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới đặt ưu tiên sản xuất thực phẩm trong nước, giảm phụ thuộc vào lương thực nước ngoài.

Theo đó, đạo luật sẽ thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hướng dẫn hiện hành của Trung Quốc để nâng cao sản xuất lương thực. Nó cũng bao gồm bảo vệ đất nông nghiệp để không bị chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, bảo vệ nguồn gene và ngăn ngừa lãng phí. 

Ngoài ra, luật quy định việc thiết lập chương trình khẩn cấp ngũ cốc quốc gia và hệ thống giám sát an ninh lương thực. Khi thực hiện chiến lược an ninh lương thực quốc gia "đặt Trung Quốc lên hàng đầu", nước này sẽ nhập khẩu vừa phải và sử dụng những tiến bộ trong khoa học và công nghệ để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Mục tiêu của những biện pháp này nhằm đảm bảo "sự tự cung cấp cơ bản về ngũ cốc và khả năng tự cung cấp tuyệt đối về ngũ cốc thiết yếu để sử dụng làm thực phẩm", luật cho biết. 

Với luật này, Trung Quốc cũng mở rộng định nghĩa về "ngũ cốc thô" bao gồm kê và yến mạch, ngoài ra còn có lúa miến, lúa mạch, kiều mạch, đậu xanh và khoai tây. Ngũ cốc thường dùng để chỉ lúa mì, gạo, ngô, đậu nành và ngũ cốc thô.

Còn nhiều điểm chưa rõ

"Vào thời điểm chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng, luật nhằm đảm bảo cung cấp ngũ cốc và các sản phẩm liên quan có ý nghĩa to lớn và sâu rộng trong việc cải thiện an ninh lương thực quốc gia, tăng cường phòng ngừa rủi ro và tình trạng khẩn cấp, quản lý, cũng như đặt nền tảng cho khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc", tờ Global Times giải thích về việc triển khai đạo luật.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng luật này còn mơ hồ và có thể không có tác động đáng kể trong việc thúc đẩy tăng cường sản xuất thực phẩm của Trung Quốc. "Nó không làm thay đổi thực tế đối với các quan chức địa phương, những người vốn đã chịu áp lực đáng kể trong việc đảm bảo an ninh lương thực. 

Luật an ninh lương thực đưa các thông lệ hiện có vào luật nhưng không nhằm thay đổi bất cứ điều gì. An ninh lương thực đã là một trong những ưu tiên hàng đầu của nước này và không thể lên cao hơn nữa" - Hãng tin Reuters dẫn nhận định của bà Even Pay, nhà phân tích nông nghiệp tại Công ty tư vấn Trivium China có trụ sở ở Bắc Kinh.

Trong khi đó, ông Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao của Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Beijing Orient, lập luận rằng mấu chốt để đảm bảo an ninh nông nghiệp là cải thiện năng suất - lĩnh vực mà Trung Quốc đạt được rất ít tiến bộ trong thập niên qua. Ông cũng cho rằng luật an ninh mới của Trung Quốc chỉ lặp lại các chính sách hiện tại vốn không được thực hiện đầy đủ ở các cấp địa phương.

"Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là năng suất trên các cánh đồng thử nghiệm đã đạt đến mức cao mới, nhưng sản lượng trên những cánh đồng rộng lớn do nông dân bình thường trồng trọt thì không. Khoảng cách giữa Trung Quốc và các nước có nền nông nghiệp tiên tiến ngày càng lớn về mặt sản lượng. 

Ngoại trừ lúa mì, Trung Quốc đang tụt hậu xa hơn về khía cạnh đó ở hầu hết các loại cây trồng so với các nhà xuất khẩu lương thực lớn của thế giới như Mỹ, Canada và Úc".

Trung Quốc khẳng định không thiếu lương thực

Trong phát biểu năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: "Bất chấp cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, chúng ta đã đảm bảo được một vụ thu hoạch bội thu trong năm thứ 19 liên tiếp".

Mặc dù Trung Quốc chưa công bố thông tin chi tiết về kho dự trữ của mình, nhưng Cơ quan Dự trữ chiến lược và lương thực quốc gia của nước này khẳng định nguồn cung trên thị trường ngũ cốc trong nước "được đảm bảo đầy đủ", còn dự trữ ngũ cốc đang ở "mức cao lịch sử".

Trong chín năm liên tiếp, Trung Quốc đạt trên 650 triệu tấn ngũ cốc/năm và dự kiến tiếp tục đạt mốc này trong năm 2024.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ