Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, các nước đang phát triển cần vạch ra con đường mới để vượt qua những biến động đang ngày một gia tăng.

Theo các chuyên gia, giảm rủi ro và đưa sản xuất trở về chính quốc đang đảo ngược quá trình toàn cầu hóa của những thập kỷ trước và thúc đẩy sự phân mảnh kinh tế. Kể từ năm 2019, số lượng các hạn chế thương mại đã tăng gần gấp ba lần, gần đây nhất là hạn chế đối với xe điện (EV) và các loại thuế quan khác của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Căng thẳng địa chính trị cùng với các cuộc xung đột cũ và mới, đã gây những tác động tiêu cực cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau COVID-19 và cản trở việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với sự gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng, công nghệ mới mang tính cách mạng và mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, thế giới đang ở trong một giai đoạn đầy bất ổn.

Trong bài viết trên SCMP, ông Pahala Nugraha Mansury, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia nhận định: "Trong khi các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng và tăng cường an ninh quốc gia, thì chi phí của tình trạng phân mảnh kinh tế được quản lý kém sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích, và các nước đang phát triển là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất".

Thứ trưởng Indonesia cho rằng, để hỗ trợ các nước xây dựng con đường phát triển trong bối cảnh mới, thế giới cần tăng cường hội nhập và hợp tác. Các hạn chế thương mại ngày càng tăng dự kiến sẽ khiến GDP toàn cầu mất khoảng 7%. Các biện pháp thương mại được áp đặt một cách không công bằng dưới vỏ bọc là các mối quan tâm về môi trường với ít tác động thực tế đáng ngờ đến biến đổi khí hậu cũng phải được giải quyết.

Ví dụ, Unctad ước tính rằng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon ở mức 44 đô la Mỹ cho mỗi tấn khí thải CO2 sẽ chỉ giảm 0,1% lượng khí thải nhà kính, đồng thời cũng cắt giảm thu nhập thực tế toàn cầu khoảng 3,4 tỷ đô la Mỹ, trong khi đó các nước đang phát triển dự kiến sẽ mất 5,9 tỷ đô la Mỹ.

Mặt khác, theo ông, các nước đang phát triển cần phải được hỗ trợ trong việc chuyển đổi nền kinh tế của họ, cho phép họ sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao và hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu. Chế biến khoáng sản quan trọng và hạ nguồn công nghiệp là hai lĩnh vực có thể dễ dàng thực hiện được mục tiêu này.

Sự chuyển dịch sang năng lượng bền vững thúc đẩy nhu cầu về các khoáng sản quan trọng. Nhiều nước đang phát triển được ban tặng các nguồn tài nguyên như vậy. Ví dụ, Indonesia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất pin EV đã thúc đẩy quốc gia này xây dựng chiến lược hạ nguồn công nghiệp đầy tham vọng.

Điều quan trọng đối với các nước đang phát triển là có thể hưởng lợi đầy đủ từ các nguồn tài nguyên của họ. Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc lần thứ 28 rằng, cộng đồng quốc tế không thể lặp lại những sai lầm trong quá khứ về việc khai thác các nước đang phát triển chỉ với tư cách là nhà sản xuất nguyên liệu thô. Do đó, việc thành lập Uỷ ban về Khoáng chất chuyển đổi Năng lượng quan trọng là một bước tiến đáng hoan nghênh.

Mặt khác, ông Peter T.C. Chang, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia cho biết, phải có sự tiếp cận tài chính và công nghệ một cách công bằng hơn để phát triển bền vững và chuyển đổi công bằng. Chi phí cho quá trình chuyển đổi xanh ước tính vào khoảng 100 nghìn tỷ đô la Mỹ đến 300 nghìn tỷ đô la Mỹ từ nay đến năm 2050. Cần phải tăng đáng kể quy mô dòng tài chính từ nhiều nguồn khác nhau.

Phát triển và chuyển giao công nghệ cũng là điều cần thiết, bao gồm cả chế biến khoáng sản quan trọng, năng lượng tái tạo và các thành phần thiết yếu khác như sản xuất chất bán dẫn. Những biện pháp hỗ trợ như vậy phải trở nên dễ tiếp cận đối với các nước đang phát triển.

Ông Chang nói thêm, xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn cũng là một yếu tố cần thiết. Tình hình hiện tại ở Trung Đông đã ảnh hưởng đáng kể đến thương mại quốc tế, gây gián đoạn trong việc vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ dẫn đến giá năng lượng, thực phẩm và phân bón tăng đột biến, ảnh hưởng đến các nước đang phát triển.

"Các nước đang phát triển cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, bao gồm tìm kiếm các lựa chọn nguồn cung ứng thay thế cho hàng hóa, đầu tư vào công nghệ để hỗ trợ sản xuất trong nước và tăng cường khả năng phục hồi và dự phòng, cũng như cải thiện kết nối", ông Chang nhấn mạnh.

Các chuyên gia đều đồng thuận rằng, hợp tác phát triển là chìa khóa để đảm bảo đạt được phát triển bền vững, thông qua tài chính, xây dựng năng lực, phát triển và chuyển giao công nghệ, cũng như chia sẻ các thông lệ. Điều này không chỉ đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước phát triển với tư cách là nhà tài trợ và các nước đang phát triển với tư cách là bên nhận, mà còn giữa các nước đang phát triển với nhau hoặc hợp tác giữa các nước miền Nam toàn cầu.

Các tổ chức quốc tế cần hỗ trợ các nước đang phát triển hơn trong một số lĩnh vực trọng tâm như giải quyết các chính sách phân biệt đối xử, xây dựng chuỗi cung ứng và đa dạng hóa kinh tế, phát triển ngành công nghiệp và công nghệ có giá trị gia tăng cao...

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp