Trung Quốc không còn giữ được vị thế nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho châu Âu và Mỹ. Giờ đây, dòng chảy thương mại có xu hướng chảy vào các nhóm nền kinh tế có mối quan hệ thân thiện hơn.

Canada và Mexico dần trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Ngoại trừ Trung Quốc, các quốc gia châu Á đẩy mạnh buôn bán với châu Âu và Mỹ. Dòng chảy chuỗi cung ứng có vẻ như đang tách dần khỏi Trung Quốc.

Số liệu mới nhất cho thấy, khối lượng xuất khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay tăng 80% so với cùng kỳ - vượt qua khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc, khối lượng giao dịch thương mại với Mỹ gia tăng, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc đang giảm xuống. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra tại Hàn Quốc trong 20 năm qua và lần đầu tiên với Nhật Bản trong 5 năm trở lại đây.

Dòng vốn đầu tư quốc tế đang “đảo chiều”, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tăng cường đầu tư sang Mỹ, trọng tâm là công nghiệp bán dẫn với số vốn lên đến hàng trăm tỷ USD. Một nhánh đầu tư khác đổ vào Ấn Độ, Pakistan và Đông Nam Á.

Doanh nghiệp châu Âu không còn xem Trung Quốc là môi trường đầu tư lý tưởng nhất. Nếu như cách đây 3 năm - trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, gần 30% doanh nghiệp châu Âu vẫn coi nước này là một điểm đến đầu tư hàng đầu, thì hiện nay con số trên chỉ còn một nửa.

Điều đó cho thấy gì? Trung Quốc đang bị loại khỏi chuỗi cung ứng mới. Ngày 15/4, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh tăng thuế lên 100% với xe điện, chip, máy tính và một số mặt hàng liên quan đến kinh tế “xanh” của Trung Quốc.

Đồng thời, Nhà trắng sử dụng đạo luật CHIPS và khoa học để trợ cấp tiền mặt cho các công ty công nghệ cao đầu tư vào Mỹ. Ví dụ, khi hãng chip lớn nhất thế giới TSMC đầu tư 65 tỷ USD vào Arizona, chính quyền Biden lập tức hỗ trợ 6,6 tỷ USD xây dựng cơ sở vật chất.

Washington muốn lôi kéo tất cả về mình, và tìm mọi cách ngăn chặn Trung Quốc, làm suy giảm vai trò của cường quốc châu Á trong chuỗi cung ứng mới, bao gồm hệ sinh thái kinh tế tái tạo, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Đây thực chất là cuộc chiến kinh tế, thương mại, đầu tư “tay đôi” giữa hai cực mạnh nhất của thế giới đương đại. Điều này còn chứng minh rằng, chưa thời kỳ nào Mỹ lo sợ trước Trung Quốc như thời điểm này.

Đúng hai tuần sau khi lệnh tăng thuế của Nhà trắng có hiệu lực, Bắc Kinh tung ra quỹ đầu tư gần 50 tỷ USD - được gọi là “quỹ đầu tư thứ ba” - lớn gấp đôi so với “quỹ thứ nhất và thứ hai” cho ngành chip, tập trung vào các chip tiên tiến cho AI và tái lập toàn bộ chuỗi cung ứng riêng.

Tại một cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói “không thế lực nào có thể ngăn cản được sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc”. Hà Lan là quốc gia sở hữu ASML - công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất máy in khắc siêu cực tím.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp