4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo, rau quả tăng cả về lượng và giá trị, song nhiều doanh nghiệp chưa nắm vững quy định, yêu cầu từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Việc tận dụng lợi thế từ các FTA vẫn chưa được như kỳ vọng

Cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam diễn ra khá thuận lợi, đạt được nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu gạo và rau quả tăng cả về lượng và giá trị.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng năm 2024 xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Kết quả xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 4 tháng năm 2024 bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp cũng đã khai mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng. Thương hiệu gạo và nhiều sản phẩm rau, quả của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, người sản xuất đã tiếp cận và khai thác tốt hơn các lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà nước ta là thành viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả của nước ta trong 4 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế, đó là câu chuyện về chất lượng hàng hóa xuất khẩu còn chưa đồng đều; sự liên kết, phối hợp giữa các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc. Đáng chú ý, việc tận dụng ưu đãi từ các FTA vẫn chưa được như kỳ vọng.

“Một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay các yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các FTA; một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...” - Cục trưởng Nguyễn Anh Sơn thông tin và cho biết thêm, 4 tháng đầu năm 2024, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu...

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nêu quan điểm, việc doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA thời gian qua đã có nhiều cải thiện, giúp các doanh nghiệp thu được nhiều lợi nhuận, xong kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Tại thị trường châu Âu, Hiệp định EVFTA giúp rau quả Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế khi vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng từ Thái Lan và Trung Quốc. Hiệp định EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU, song đây là thị trường đòi hỏi chất lượng khắt khe hàng đầu thế giới. Họ chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chuẩn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật...

Tuy nhiên, thời gian qua, chất lượng hàng hóa xuất khẩu liên quan đến khâu sản xuất (từ vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản, thực hiện mã số vùng trồng, đóng gói) làm chưa tốt; vẫn xảy ra vi phạm..” - ông Bình nêu thực tế và đề nghị, các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán. Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả; đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch với bơ, dừa tươi… nâng cao xuất khẩu.

Hiện nay, thị trường châu Âu là thị trường đứng hàng thứ 3 trong kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Đây là thị trường khá quan trọng, nếu thâm nhập được vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể đi được sang nhiều thị trường lân cận.

Phát triển thị trường xuất khẩu có trọng tâm, trọng điểm

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất khẩu rau quả, gạo của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường... do vậy, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững và bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường, cũng như những yêu cầu (hoặc những thay đổi về chính sách) của nước nhập khẩu; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại (nếu phát sinh).

 

Cùng đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương trong xử lý những vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động xuất nhập khẩu và thực thi FTA. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các đơn vị vi phạm trong sản xuất sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm và các vi phạm khác có liên quan.

Đối với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Bộ trưởng chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm gạo, rau quả nói riêng một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia... nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống và khai mở, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ FTA tại các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng nhấn mạnh, để thâm nhập bền vững vào các thị trường xuất khẩu cũng như để tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải chủ động tìm hiểu về các quy định xuất khẩu hàng rau củ, gạo tại các thị trường xuất khẩu. Việc này phải bắt đầu ngay từ những giai đoạn đầu trong sản xuất hàng hóa, chứ không phải sản xuất xong hàng hóa mới tìm hiểu. Việc tìm hiểu thông tin thị trường không chỉ giúp cho nông sản Việt tạo được uy tín mà còn là nền tảng để có thể mở rộng, chinh phục thêm các thị trường xuất khẩu trên thế giới, từ đó nâng cao vị thế cho sản phẩm rau quả, gạo Việt Nam.

"Để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023, cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất; Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại" - ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Nguồn: Báo Công Thương