Theo quan chức kinh tế Indonesia, khảo sát nội bộ cho thấy tư cách thành viên của Indonesia trong OECD có thể tăng thêm 0,37% lượng đầu tư từ các thành viên và hỗ trợ tăng GDP của nước này thêm 0,94%.

Bộ trưởng Điều phối Các Vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto ngày 29/5 cho hay, việc Indonesia trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư dồi dào từ các nước thành viên khác.

Ông Airlangga nói rằng cuộc khảo sát nội bộ cho thấy tư cách thành viên của Indonesia trong OECD có thể tăng thêm 0,37% lượng đầu tư từ các thành viên và hỗ trợ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thêm 0,94%.

Việc tăng đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Ông Airlangga cho rằng bằng cách mở ra những cơ hội mới trong thương mại, đầu tư và hợp tác, quá trình gia nhập OECD của Indonesia sẽ mang lại lợi ích củng cố lẫn nhau cho OECD và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc gia nhập OECD sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Indonesia vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Để đạt được mục tiêu này cần có sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan.

Tư cách thành viên OECD cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế để hiện thực hóa tầm nhìn Indonesia Vàng 2045.

Điều này liên quan đến các nguyên tắc của OECD về quản trị tốt, minh bạch và tăng trưởng toàn diện, phù hợp với tầm nhìn của Indonesia nhằm đạt được tiến bộ và thịnh vượng.

Theo ông Airlangga, Indonesia đặt mục tiêu đạt được tầm nhìn Indonesia Vàng vào năm 2045, trong đó dự kiến tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người 30.300 USD, GDP 9.800 tỷ USD và 70% dân số thuộc nhóm trung lưu.

Vào thời điểm đó, Indonesia có thể nổi lên là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới và tất nhiên, sự ổn định chính trị là chìa khóa để đạt được mục tiêu đó.

Ông Airlangga nhấn mạnh, là một quốc gia châu Á có sức mạnh toàn cầu ngày càng tăng, Indonesia được công nhận là một nước đóng vai trò quan trọng.

Trở thành thành viên OECD đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ ba ở châu Á, Indonesia sẽ giúp tổ chức này định hình chính sách toàn cầu và đảm bảo một OECD mang tính đại diện và toàn diện hơn./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+