Nhiều nước trong khu vực đang hành động rất nhanh trong cuộc đua bán dẫn, đòi hỏi Việt Nam bứt pháp mạnh mẽ để không bỏ lỡ cơ hội, nhất là trong nguồn nhân lực.

Tại hội thảo về hợp tác phát triển công nghệ bán dẫn trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á năm 2024, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết: cuộc đua bán dẫn toàn cầu đang nóng dần, nhiều tập đoàn chip hàng đầu thế giới đang gia nhập thị trường Việt Nam cũng như sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, đi cùng cơ hội là thách thức, nhất là trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng. Hiện, Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia, giảng viên cho hoạt động đào tạo trong nước. Trong khi đó, công nghiệp bán dẫn cần đầu tư lớn từ Nhà nước, viện trường và doanh nghiệp cho việc đào tạo; chương trình đào tạo đại học còn thiếu và chưa đạt chuẩn quốc tế so với sự phát triển của công nghệ bán dẫn.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghiệp thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng Việt Nam đang gặp một thách thức lớn khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt cả thày lẫn thợ trong ngành bán dẫn.  

Dẫn thông tin từ buổi làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông với tập đoàn Qualcomm trong chuyến tháp tùng Thủ tướng sang Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, Qualcomm có thể thuê kỹ sư Việt Nam thực hiện một số công đoạn thiết kế không quá phức tạp. Tuy nhiên, sau đó, Qualcomm đã im lặng bởi đội ngũ nhân lực, cụ thể là của doanh nghiệp đối tác của Qualcomm tại Việt Nam chỉ có khoảng 50 người tinh thông.

Trong khi đó, riêng chi nhánh Qualcomm tại Ấn Độ đã có khoảng 1 vạn kỹ sư. Nếu chúng ta có số lượng kỹ sư tương tự như vậu, chắc chắn sẽ nhận được đầu tư và chuyển giao công nghệ của Qualcomm.

Một thách thức khác, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thiện Nghĩa, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng chỉ tồn tại trong vòng 1 - 2 năm. Không chỉ Việt Nam, các nước khác trong khu vực như Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Pakistan đang hành động rất nhanh. Do đó, nếu không muốn bỏ lỡ thời cơ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cũng phải hành động nhanh như vậy. 

Liên quan đến việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng, cần ưu tiên sự dịch chuyển, tăng tỷ trọng hoạt động bán dẫn từ nước ngoài sang Việt Nam, có thể là trong hoạt động đóng gói, kiểm thử; có thể trong thiết kế. Thực hiện được tốt các hoạt động này có nhu cầu rất lớn về nhân lực và giải bài toán đầu ra.

Qua làm việc và ghi nhận các ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu, ông Nguyễn Thiện Nghĩa chỉ ra một số thành tố Việt Nam cần cải thiện để thu hút nhân lực. Đó là năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo cho sản xuất; bảo vệ sở hữu trí tuệ - yếu tố nền tảng để thu hút các hoạt động thiết kế sang Việt Nam; thủ tục xuất nhập khẩu và các ưu đãi trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ cao mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, hiện Việt Nam đang thiếu kỹ sư có kinh nghiệm trong ngành bán  dẫn mà đội ngũ này không thể phát triển một cách mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Do đó theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần thiết xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút đội ngũ kỹ sư tốt nghiệp ở nước ngoài về Việt Nam thành lập công ty và tham gia hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.

Trước đó, ông Hùng Trần - Giám đốc điều hành Got It cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết xây dựng mạng lưới những chuyên gia người Việt ở nước ngoài để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Đánh giá đây là một chiến lược ngắn hạn rất thông minh, ông Hùng Trần cho rằng, rất nhiều người Việt đang làm việc thực tế ở các công ty toàn cầu chứ không chỉ là giảng dạy hay nghiên cứu. Nếu trong chiến lược ngắn hạn chúng ta có những người nhanh chóng làm được việc trong vòng 24 tháng tới, thì phải ngay lập tức thu hút được đội ngũ này.

Trong đào tạo, ngoài đào tạo lý thuyết thì đào tạo trong công việc rất quan trọng. Thu hút được mạng lưới chuyên gia người Việt ở nước ngoài, thậm chí có thể có chương trình 1 kèm 1 để các chuyên gia này thực sự giúp cho các học viên ở Việt Nam chuyển đổi sang ngành này có thể làm được việc. Đấy là một việc rất quan trọng bởi vì nếu học mà không có thực hành, không có người hướng dẫn thì sẽ rất khó, chỉ biết qua qua mà thôi.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp