Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Trung Á để tăng cường hợp tác kinh tế và kết nối khu vực.

Để đạt được điều này, Trung Quốc đang tích cực thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), còn EU đã hợp tác với các nước Trung Á từ năm 2022 thông qua các dự án được triển khai trong khuôn khổ Sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu.

Ngoài ra, Bắc Kinh và Brussels đều nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và thiết lập vị thế dẫn đầu về công nghệ bằng cách thúc đẩy các tiêu chuẩn và công nghệ của riêng mình. Mặc dù cách tiếp cận của EU được cho là minh bạch và chú trọng đến nhân quyền, nhưng khu vực này phải đối mặt với những thách thức khi cạnh tranh với các khoản đầu tư sâu rộng và nhanh chóng của Trung Quốc.

Sự gần gũi về mặt địa lý và việc Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các khoản đầu tư lớn đã mang lại cho nước này một lợi thế đáng kể ở Trung Á. Các quốc gia Trung Á đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác với Trung Quốc thông qua các sáng kiến như BRI và Con đường tơ lụa kỹ thuật số, nhằm phát triển kết nối kỹ thuật số, được coi là điều cần thiết cho các nền kinh tế hiện tại và tương lai.

Tính chất không giáp biển của Trung Á khiến khu vực này bị ngắt kết nối với các mạng cáp quang lớn, khiến băng thông rộng chất lượng trở nên cực kỳ đắt đỏ. Tính đến năm 2021, chỉ có 38% người dân ở Kyrgyzstan được truy cập Internet. Sự thiếu kết nối này là trở ngại lớn đối với tiềm năng của các dự án phát triển.

Nắm được điều này, các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei hiện chiếm 80% mạng lưới viễn thông của Kyrgyzstan và cung cấp lần lượt 90% và 70% phần cứng cho hai công ty viễn thông hàng đầu Kyrgyzstan là Sky Mobile và Alfa Telecom. Năm 2019, Tập đoàn Xuất nhập khẩu Điện tử Quốc gia Trung Quốc (CEIEC), chuyên cung cấp các giải pháp quốc phòng và an ninh cho thị trường bên ngoài, đã tặng miễn phí camera nhận dạng khuôn mặt cho chính quyền thành phố Bishkek, với đủ công suất để bao phủ mọi con phố trong thành phố.

Trong khi đó, mặc dù chậm hơn, nhưng vào năm 2022, EU đã khởi động hai dự án hàng đầu theo sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu, một trong số đó tập trung vào phát triển kết nối kỹ thuật số ở Trung Á. Sáng kiến này nhằm tăng cường khả năng tiếp cận Internet an toàn cho các doanh nghiệp và người dân ở Trung Á thông qua kết nối vệ tinh. EU sẽ tài trợ ít nhất 40 triệu euro cho hỗ trợ quản lý kỹ thuật và đầu tư cơ sở hạ tầng, với sự tham gia bổ sung của các quốc gia thành viên và các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo Eldaniz Gusseinov, nhà nghiên cứu không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu Heydar Aliyev của Đại học Ibn Haldun, Istanbul, các hỗ trợ kỹ thuật sẽ hỗ trợ phát triển quản trị ở các quốc gia, bao gồm cải cách viễn thông, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các trạm mặt đất có điểm trao đổi internet tích hợp và trung tâm dữ liệu xanh sẽ được triển khai ở Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, và được kết nối với cơ sở hạ tầng băng thông rộng hiện có.

EU đặt mục tiêu trở thành đối tác góp phần đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Trung Á. Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell nhấn mạnh rằng Trung Á đang tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ của mình và coi EU là “đối tác được lựa chọn”. Ông Borrell lưu ý rằng EU nên tăng cường quan hệ với Trung Á và tận dụng tiềm năng to lớn mà khu vực này mang lại trong việc cung cấp năng lượng, nguyên liệu thô quan trọng và các hành lang vận tải mới không phụ thuộc vào Nga.

Kết nối kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa và củng cố mối quan hệ của các nước Trung Á với các đối tác bên ngoài, đặc biệt là EU.

Đây được coi là yếu tố nền tảng, giúp các quốc gia Trung Á trở nên cạnh tranh hơn và ít phụ thuộc hơn vào một số đối tác nhất định. Bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các quốc gia Trung Á có thể thu hút đầu tư tốt hơn, tạo thuận lợi cho thương mại và đảm bảo rằng con đường phát triển của họ là bền vững và toàn diện, phù hợp với các mục tiêu rộng lớn hơn của EU và Trung Quốc cho khu vực.

Theo Andrew Gundal, nhà phân tích địa chính trị Trung Á, cả EU và Trung Quốc đều đặt mục tiêu thiết lập vị trí dẫn đầu về công nghệ ở Trung Á, nhưng trọng tâm của họ khác nhau. Trung Quốc nhấn mạnh việc triển khai phần cứng và cơ sở hạ tầng, như mạng viễn thông tiên tiến và hệ thống giám sát.

Việc triển khai mạng 5G, công nghệ nhận dạng khuôn mặt và trung tâm dữ liệu của Huawei ở Trung Á cho thấy sự tập trung của Trung Quốc vào việc cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến một cách nhanh chóng. Trong khi EU tập trung vào việc phát triển các khung pháp lý mạnh mẽ và thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững, bên cạnh quản trị kỹ thuật số, công nghệ xanh và an ninh mạng.

Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm, các chính phủ trong khu vực thường tìm kiếm giải pháp phát triển nhanh chóng và các dự án của Trung Quốc thường được chú trọng nhiều hơn. Ngược lại, các khoản đầu tư của EU tuy lớn nhưng lại đòi hỏi sự chặt chẽ hơn về mặt thủ tục và tiền hành với thời gian dài hơn. 

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp