Ngày 24/5, Tạp chí Hải quan tổ chức buổi Tọa đàm về chủ đề “Công nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?”

Dự tọa đàm là các diễn giả, khách mời: TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương); ông Dương Bá Hải, Phó trưởng phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính); bà Trương Bình An, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng.

Toạ đàm còn có sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Cục Hải quan Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Nam Ninh; đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng cho biết, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu sản xuất thay thế nhập khẩu và từng bước tiến tới xuất khẩu. Trong quá trình phát triển, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia và cam kết.

Với quyết tâm tháo gỡ nút thắt cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển, cũng như thực hiện có hiệu quả các cam kết tại FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Cụ thể, về chính sách thuế nhập khẩu, Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô: Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về sản lượng tối thiểu và các điều kiện khác (về linh kiện, mẫu xe, tiêu chuẩn khí thải, kỳ xét ưu đãi, hồ sơ, thủ tục) thì được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Chương trình ưu đãi thuế quan này được áp dụng trong 5 năm (từ năm 2018 đến hết 2022), tiếp đó được Chính phủ gia hạn đến năm 2027.

Về Chương trình ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô giai đoạn năm 2020- 2024: nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm nằm trong Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô để cung ứng linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.

Về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật, trong đó có Luật thuế TTĐB ngày 11/1/2022, giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chạy pin so với xe chạy xăng, dầu; gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng đến hết năm 2023.

Bên cạnh đó là chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo một số giai đoạn trong các năm 2020, 2021, 2022, 2023 và đang xem xét cho năm 2024...

Ngoài ra, còn có các chính sách ưu đãi khác về thuế thu nhập doanh nghiệp, sử dụng đất cho lĩnh vực công nghiệp ô tô...

“Về phía ngành Hải quan, cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, vật tư để sản xuất, lắp ráp xe ô tô và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô thuộc Chương trình ưu đãi thuế và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô, Tổng cục Hải quan luôn sát sao, quan tâm chỉ đạo các Vụ, Cục chuyên môn, các Cục Hải quan địa phương triển khai, xử lý nhanh chóng các thủ tục liên quan như: thủ tục đăng ký tham gia Chương trình, thủ tục kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, thủ tục khai hải quan, thủ tục hoàn thuế... Điều này góp phần quan trọng trong việc giảm bớt thời gian, thủ tục, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô nói trên...”, bà Vũ Thị Ánh hồng nhấn mạnh.

Những chính sách nêu trên được xem là một trong những giải pháp mạnh mẽ, thúc đẩy ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô đã phát triển khá nhanh trong những năm gần đây, bước đầu khẳng định vị trí đối với thị trường ô tô trong nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc phát triển công nghiệp ô tô, ngoài thuế và phí, còn cần nhiều giải pháp, chính sách liên quan khác như: tín dụng, danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô, mức độ công nghệ, hàm lượng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, chi phí bản quyền, chất lượng, bảo vệ môi trường… Và đặc biệt là nội lực của các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực. Các nước như Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc, với lợi thế là những nước đi trước, công nghệ và lao động phát triển ở trình độ cao hơn, tận dụng được lợi thế kinh tế khiến chi phí sản xuất thấp hơn, thì việc họ thành công chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong điều kiện thực hiện các FTA luôn tạo áp lực lớn nếu Việt Nam không quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách bền vững, không có các giải pháp phù hợp để phát triển ngành này trong tương lai.

Đứng trước cơ hội và thách thức, Việt Nam đã có những giải pháp chiến lược dài hạn cho công nghiệp ô tô thông qua “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045” (phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 4 /2/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam; Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô…

Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các FTA (EVFTA, CPTPP)…, ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam bị tác động như thế nào? Các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có tạo thuận lợi, hỗ trợ kịp thời hay không? Nỗ lực của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước như thế nào?...

Để trả lời những câu hỏi đó, tọa đàm tập trung trao đổi, tương tác giữa khách mời là các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ xoay quanh các vấn đề: Đánh giá thực trạng Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP...), thuận lợi và khó khăn; Xác định điểm nghẽn và tìm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP...); Chính sách thuế, phí làm đòn bẩy phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam; Vai trò của Hải quan tạo thuận lợi thương mại, cạnh tranh bình đẳng; ngăn ngừa, chống gian lận thương mại trong hoạt động nhập khẩu ô tô.

Nguồn: Tạp chí Hải Quan