Năm 2023, nước Anh nhập khẩu 72,5 tỷ USD nông sản, thực phẩm và đồ uống; nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh mới chỉ ở mức 700 triệu USD. Điều này cho thấy một dư địa khổng lồ cần khai thác.

Nông nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Việt Nam và đang dần trở thành một mũi nhọn xuất khẩu của đất nước. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp của Việt Nam đạt 3,83%, mức cao nhất trong thập kỷ qua, trong đó, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD.

Đáng chú ý, Việt Nam đạt mức thặng dư xuất khẩu nông sản kỷ lục là 12,07 tỷ USD, chiếm hơn 42,5% tổng thặng dư thương mại của cả nước. Các mặt hàng dẫn đầu là trái cây, rau quả đạt 5,69 tỷ USD và gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước (69,2% và 38,4%).

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là còn nhiều dư địa cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tại Châu Âu, chưa được khai thác triệt để. Năm 2022, nước Anh nhập khẩu tổng cộng 92,1 tỷ USD nông sản, nhưng tổng giá trị thương mại thực phẩm và đồ uống giữa hai nước chưa tới 0,8 tỷ USD, cũng là một con số chưa tương xứng với kỳ vọng. Với sự thúc đẩy của chính phủ hai nước, dự kiến lĩnh vực này sẽ mở rộng hơn nữa.

Lực đẩy từ các Hiệp định thương mại

Việc Anh chính thức rời khỏi thị trường chung châu Âu năm 2016, được biết đến là sự kiện "Brexit," đã thúc đẩy các thay đổi chiến lược và chiến thuật trong sản xuất nông nghiệp và chính sách thương mại của Anh. Trong khi Liên minh châu Âu vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, Anh tiếp tục ưu tiên các cơ hội và quan hệ mới với các thị trường chính.

Trong số các lĩnh vực ưu tiên, thương mại nông nghiệp là nền tảng của nhiều mối quan hệ thương mại của Anh với các nước, đặc biệt là Việt Nam. Vào đầu năm 2023, chính phủ Anh đã thành lập bộ phận nông nghiệp chuyên biệt tại Đại sứ quán Anh tại Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác quan hệ thương mại giữa hai nước.

Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực tháng 5/2021 là chất xúc tác cho trao đổi thương mại. UKVFTA mang tới nhiều cơ hội to lớn cho ngành nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống. Hầu hết các dòng sản phẩm thực phẩm và đồ uống hiện đang được hưởng lợi từ việc giảm dần và cuối cùng, loại bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm 2031 (tuân theo các hạn ngạch thuế quan liên quan).

Việc Anh tham gia đầy đủ vào CPTPP, dự kiến vào năm 2024, cũng sẽ mở đường cho những cơ hội thương mại rõ ràng hơn trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm. Trước đây, tại Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Anh hậu Brexit bị áp thuế Tối huệ quốc (MFN), có khi lên tới 60%. Nhờ CPTPP, thuế suất đối với hàng nhập khẩu của Anh đã giảm. Thuế suất đối với thịt lợn giảm từ 22-25% xuống còn 8,1%, trong khi thuế đối với thủy hải sản phần lớn không còn.

Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường xuất khẩu nông sản và hải sản trong khi xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ Anh có thể gia tăng. Cùng với quan hệ thương mại tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm thực phẩm nổi tiếng và được tìm kiếm từ Anh đã thâm nhập vào Việt Nam. Rượu whisky và rượu gin rất phổ biến, nằm trong Top 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Anh sang Việt Nam.

Một số quốc gia khác thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland cũng hưởng lợi. Hoạt động thương mại của Scotland đặc biệt sôi động, xuất khẩu tổng cộng 105,4 triệu USD hàng thực phẩm và đồ uống đến Việt Nam năm 2022; trong đó rượu whisky Scotland và hải sản chiếm vị trí nổi bật.

Nhu cầu khổng lồ của thị trường Anh

Năm 2023, giá trị xuất khẩu cá và hải sản có vỏ của Việt Nam sang Anh đạt gần 300 triệu USD, đưa thủy sản trở thành nhóm sản phẩm đứng thứ năm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Anh. Tuy nhiên, để so với hơn 70 tỷ USD giá trị nông sản mà nước này nhập khẩu vào năm ngoái, dư địa dành cho doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Triển vọng xuất khẩu hàng nông nghiệp Việt Nam sang Anh cũng được cho đang rộng mở nhờ nhiều lý do. Các hiệp định hợp tác, sự hỗ trợ tích cực của chính phủ và chính quyền các địa phương, cộng với sức mua cao và cộng đồng người Việt ở Anh ngày càng tăng sẽ là nền tảng cho sự tăng trưởng được bảo đảm trong tương lai.

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam  và Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA) ký Thỏa thuận hợp tác về nông nghiệp tháng 11/2022 là một ví dụ. Với các thỏa thuận này, hai nước sẽ đơn giản hóa các khung pháp lý, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và giảm bớt rào cản gia nhập thị trường đối với nông sản, thực phẩm và đồ uống. Xuất khẩu thịt dự kiến sẽ hưởng lợi trực tiếp sau thỏa thuận song phương về giấy chứng nhận kiểm dịch (EHC) đạt được cùng thời gian, cho phép Anh xuất khẩu thịt lợn và gia cầm vào Việt Nam.

Vào tháng 1/2023, UBND huyện Cao Phong phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ xuất khẩu sang Anh chuyến hàng 7 tấn cam Cao Phong đầu tiên. Hay lô hàng 5 tấn sầu riêng Ri6 tiêu biểu của Việt Nam cũng được phân phối đến các siêu thị trên khắp nước Anh.

Hiện nay, Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam ở châu Âu. UKVFTA sẽ loại bỏ 94% trong số 547 dòng thuế đối với rau, trái cây và các sản phẩm liên quan của Việt Nam. Trong khi thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu từ các nước ngoài EU vào Anh yêu cầu thủ tục nhập khẩu nghiêm ngặt, nhiều loại trái cây phổ biến của Việt Nam nằm trong danh sách thực vật và sản phẩm thực vật không quản lý.

Những mặt hàng này, gồm dứa, dừa, quýt, quất, cam, hồng, sầu riêng, chuối, xoài, chanh dây và ổi, được hưởng lợi từ yêu cầu thủ tục nhập khẩu ít phức tạp hơn. Song song, hải sản trở thành mặt hàng nông sản thực phẩm thứ hai được hưởng lợi nhiều nhất từ UKVFTA.

Anh hiện là một trong 10 nước nhập khẩu cá da trơn hàng đầu từ Việt Nam, và nhờ UKVFTA, thủy sản Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Ấn Độ. Việt Nam cũng có tiềm năng trở thành nhà cung cấp sản phẩm quan trọng cho các nhà bán lẻ ở Anh. Các sản phẩm chế biến như cà phê, hạt điều và hạt tiêu hiện có mặt rộng rãi tại các siêu thị lớn ở Anh, trong đó hạt điều chiếm thị phần ấn tượng 90%.

Với việc Anh tham gia CPTPP, khả năng tiếp cận của nông sản Việt Nam sẽ được cải thiện. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng giảm phát thải, áp dụng các quy trình hữu cơ và khai thác nguồn năng lượng tái tạo. Những nỗ lực bảo vệ môi trường này sẽ tạo được thiện cảm với người tiêu dùng Anh- những người ưu tiên hàng có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp