Nhiều chuyên gia cho rằng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á cần phải được phát triển bền vững hơn và đáng tin cậy hơn.

Đông Nam Á có gần 15% diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới, nhưng ít nhất 1,2% diện tích rừng này bị phá hủy mỗi năm. Việc chặt phá cây xanh nhanh chóng đã dẫn đến sự gia tăng phát thải khí nhà kính nguy hiểm chưa từng thấy, với hơn 400 triệu tấn carbon được xả vào khí quyển mỗi năm từ Đông Nam Á.

Những số liệu thống kê này là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng còn rất nhiều việc phải làm ở khu vực này để tạo ra một tương lai tích cực cho rừng. Phát triển kinh tế bền vững trong và xung quanh rừng có thể góp phần nâng cao uy tín của các doanh nghiệp trong khu vực và các tập đoàn đa quốc gia dựa vào chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á.

Đối với doanh nghiệp, con đường phía trước là thay đổi cách thức tìm nguồn gốc các mặt hàng chính như dầu cọ, đậu nành và thịt bò, cũng như giấy, bột giấy và bao bì làm từ sợi.

Mặc dù đây là một thách thức toàn cầu và là trách nhiệm của nhiều bên tham gia, nhưng mọi doanh nghiệp liên quan đến rừng đều có vai trò quan trọng. Trong bài viết trên Nikkei Asia Review, ông Wai-Chan Chan, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Hàng tiêu dùng, một mạng lưới toàn cầu gồm các nhà bán lẻ và nhà sản xuất toàn cầu cho biết, trước tiên, các công ty kinh doanh ở Đông Nam Á cần thực hiện chính sách chống nạn phá rừng.

"Để thực hiện được điều này, tất cả các doanh nghiệp nên tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng của doanh nghiệp để hiểu được những rủi ro về nạn phá rừng, chuyển đổi đất đai và các vấn đề nhân quyền có thể xảy ra ở đâu. Điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp phải thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững để góp phần giảm thiểu khủng hoảng khí hậu", ông Wai-Chan Chan nhấn mạnh.

Hiện nay, tại các tỉnh Aceh và Bắc Sumatra của Indonesia, những khu vực trọng điểm về sản xuất và cung ứng dầu cọ, các thành viên của Diễn đàn Hàng tiêu dùng bao gồm các Danone, Mondelez International, PepsiCo và Unilever đang hợp tác với Liên minh vì Sinh kế Bền vững, xây dựng một kênh đối thoại có sự tham gia của lãnh đạo cấp tỉnh và huyện, nông dân, các doanh nghiệp và các đối tác chiến lược.... để đóng góp ý kiến phát triển sản phẩm bền vững cho ngành công nghiệp dầu cọ.

Trên thực tế, ông Wai chỉ ra, ở cấp độ chuỗi cung ứng, các công ty thường yêu cầu các nhà cung cấp giải quyết nạn phá rừng nhưng lại không cung cấp các biện pháp hỗ trợ như các hướng dẫn, công cụ đào tạo và đo lường để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng có thể được xóa bỏ khỏi toàn bộ chuỗi giá trị chỉ khi có sự trợ giúp từ các nhà cung cấp.

Chương trình Trung tâm chủ sở hữu nhỏ tại tỉnh Aceh Singkil, Indonesia cung cấp cho ASEAN cách các doanh nghiệp có thể hỗ trợ người nông dân trong chuỗi cung ứng của họ. Chương trình đã đưa những người nông dân trong hệ sinh thái Leuser tham gia vào chuỗi cung ứng khai thác dầu cọ bền vững.

Cho đến nay, chương trình đã tiến hành đào tạo về thực hành canh tác bền vững, kiến thức tài chính và các vấn đề chống nạn phá rừng cho các hộ nông dân. Khóa đào tạo này đã giúp các hộ sản xuất biến kiến thức về Thực hành Nông nghiệp Tốt (GAP) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc thành hành động, góp phần đa dạng hóa nguồn thu nhập của họ, từ đó giảm áp lực lên rừng.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nên hỗ trợ tích cực hơn cho người dân bản địa có cuộc sống bị đe dọa bởi nạn phá rừng và chuyển đổi đất đai. Để làm như vậy, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các chính quyền địa phương để giúp người dân bảo vệ rừng, đất đai, văn hóa và lối sống của họ.

Tại bang Sabah, Malaysia, các thương hiệu hàng tiêu dùng Colgate Palmolive, Nestle và Reckitt đang hợp tác với Earthworm Foundation để hỗ trợ sinh kế và khả năng phục hồi của các cộng đồng sống dựa vào rừng có liên kết với chuỗi cung ứng của họ. Với trọng tâm là tôn trọng quyền của người lao động, sáng kiến này đang giúp nhiều hộ sản xuất nhỏ trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quần thể voi địa phương bằng cách cho phép theo dõi hoạt động di chuyển của chúng để có thể di dời chúng đến các khu bảo tồn rừng nếu cần.

Người tiêu dùng và nhà đầu tư toàn cầu ngày càng đòi hỏi sự minh bạch về hồ sơ quản trị, xã hội và môi trường của các doanh nghiệp, cũng như các quy định luật pháp đang ngày một chặt chẽ hơn để yêu cầu các công ty phải báo cáo dữ liệu này. Hiện nay, Singapore đang dẫn đầu nỗ lực này ở Đông Nam Á. Thông qua sự cởi mở và minh bạch, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mới có thể hiểu và xác định chính xác các lĩnh vực cần hành động khẩn cấp.

Việc bảo vệ và tái sinh các khu rừng ở Đông Nam Á cũng như bảo vệ các cư dân, hệ sinh thái và động vật hoang dã độc đáo của họ có thể giúp đảm bảo khu vực có đủ cây che phủ để hấp thụ đầy đủ lượng khí các bon. Để đảm bảo một tương lai tích cực cho rừng, các công ty phải khẩn trương nâng cấp chuỗi cung ứng và tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô để giúp chuỗi cung ứng phát triển bền vững hơn và đáng tin cậy hơn.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp