Trước những rủi ro tiềm ẩn, và không ít biến động khó lường, để thực thi hiệu quả các FTA, theo chuyên gia, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA); tiếp tục đàm phán 3 FTA. Việc thực thi các FTA đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm; kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm…

Đáng nói, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 238,8 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Trước những tín hiệu tích cực đã nêu, để thúc đẩy thực thi các FTA hiệu quả, Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cũng đã nhiều lần tổ chức tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và báo cáo Chính phủ về một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA, từ đó nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cùng với những thuận lợi mà các FTA mang lại thì khó khăn lớn từ các FTA đó chính là tăng sức ép cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu. Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia FTA có thể làm một số doanh nghiệp ở các nước đang phát triển, trước hết là các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.

Đối với hệ thống pháp luật, các FTA thế hệ mới đòi hỏi các thành viên tham gia phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật của nước mình, trước hết là các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước, lao động, đấu thầu, thương mại điện tử, môi trường, giải quyết tranh chấp…

Do đó, để đạt mục tiêu thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động. Trong đó, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, thì một trong những vấn đề cấp bách là hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài, do đó, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương, năm 2024, trong khó khăn chung của kinh tế thế giới, để tận dụng cơ hội tăng trưởng, Việt Nam cần thực thi hiệu quả các FTA. Nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều quốc gia có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh đó, để tận dụng tối đa các FTA, điều quan trọng nhất là phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Còn theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tận dụng được những lợi thế mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp phải luôn cập nhật những thông tin mới, hướng dẫn, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để. Cùng với đó, cần sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA.

Được biết, trong hàng loạt các giải pháp nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2024. Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới.

Cùng với đó, Bộ Công Thương phải thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê,... và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp