Việc lãnh đạo nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Đức gần đây thường xuyên gặp gỡ người đứng đầu hoặc thực hiện các chuyến thăm cấp cao tới Trung Á cho thấy tầm quan trọng chiến lược ngày càng gia tăng của khu vực này.

Trung Á bao gồm 5 nước: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, đang nổi lên như một khu vực có ý nghĩa địa chính trị quan trọng, với đặc trưng lịch sử phong phú, di sản văn hóa đa dạng, có vị trí chiến lược nằm ở nơi giao cắt giữa châu Á và châu Âu.

Modern Diplomacy nhận định, trữ lượng dầu khí dồi dào của Trung Á khiến cho việc hợp tác với khu vực đồng nghĩa với các nước phương Tây có thêm một lựa chọn quan trọng giúp bảo đảm an ninh năng lượng. Khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và trữ lượng khoáng sản này cũng đem lại những cơ hội hấp dẫn cho các nền kinh tế phương Tây trong việc mở rộng chuỗi cung ứng. Lâu nay, các công ty của Kazakhstan-quốc gia lớn nhất Trung Á-là nguồn cung titan, berili, tantal, niobi... cho nền kinh tế các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Cuối năm 2023, chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Kazakhstan đã mang lại những thỏa thuận đáng kể giúp Paris mua được các khoáng sản và kim loại quan trọng phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

Nhận thức rõ giá trị của sự kết nối, Trung Á nỗ lực tăng cường hội nhập và phát triển hạ tầng. Thông qua thúc đẩy quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ hơn với các nước láng giềng, Trung Á đang tìm cách khai thác tiềm năng để trở thành một trung tâm thương mại, đầu tư và trao đổi văn hóa, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thịnh vượng. Không bỏ lỡ cơ hội, các nước EU đã đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với các quốc gia Trung Á-một khu vực chiến lược từng được coi là “sân sau” của Nga. Mỹ cũng đã thực hiện nhiều bước đi nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực. Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp các nhà lãnh đạo Trung Á tham dự Hội nghị thượng đỉnh C5+1 (cơ chế hợp tác gồm Mỹ và 5 nước Trung Á) tại New York-một sự kiện lịch sử đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Mỹ tham dự hội nghị C5+1. Washington và các đối tác đã thảo luận về hàng loạt chủ đề như an ninh khu vực, hợp tác kinh tế và phát triển bền vững, qua đó nhấn mạnh sự quan tâm và đóng góp ngày càng lớn của Mỹ trong khu vực.

Đặc biệt, kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, sự xuất hiện của Hành lang vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR), một mạng lưới vận chuyển trải dài khắp Trung Á, biển Caspi và vùng Caucasus, đã nổi lên như một giải pháp thay thế cho các tuyến vận tải do Nga kiểm soát. Trong 30 năm qua, tuyến vận tải này đã chứng kiến lưu lượng giao thông gia tăng, nhất là sau thời điểm tháng 2-2022. Theo Tổng thư ký Hiệp hội TITR Gaidar Abdikerimov, hiện có 25 công ty vận tải từ 11 quốc gia tham gia TITR. Chỉ trong 10 tháng qua, hơn 2.256 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua hành lang này. Đầu năm nay, các tổ chức tài chính châu Âu và quốc tế công bố khoản cam kết trị giá 10,8 tỷ USD để phát triển TITR, nhằm giảm sự phụ thuộc vào tuyến vận tải phía Bắc (NSR) của Nga, Modern Diplomacy cho hay.

Khi bất ổn gia tăng trên Biển Đỏ do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi cũng như việc phương Tây áp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Moscow, các tuyến đường vận chuyển truyền thống trở nên kém an toàn. Việc định tuyến vận tải tránh kênh đào Suez cũng làm gia tăng đáng kể chi phí và thời gian vận chuyển. Trong bối cảnh đó, TITR bỗng nhiên trở thành giải pháp mang tính đột phá, đem lại lợi ích cho chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp kết nối thương mại giữa châu Á và châu Âu không bị đứt quãng.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân