Do ảnh hưởng mạnh từ những xung đột địa chính trị gần đây diễn ra tại khu vực Trung Đông, chi phí logistics hiện nay đã tăng cao khoảng 130% so với cuối năm 2023. Thực tế này đã và đang đẩy doanh nghiệp xuất khẩu trong nước rơi vào tình trạng đóng băng nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Đội giá lên gấp đôi

Ông Trần Trọng Kim, Tham tán thương mại Việt Nam tại Arab Saudi, chia sẻ, tình hình xung đột ở Trung Đông đã xuất hiện từ trước nhưng trở nên trầm trọng hơn trong quý 1-2024. Các cuộc tấn công ngày càng tăng vào các tàu hàng lưu thông trên Biển Đỏ đã gây ra mối đe dọa có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế. Hậu quả, các công ty vận tải hàng hóa phải định tuyến lại cung đường di chuyển qua mũi Hảo Vọng của châu Phi thay vì đi qua kênh đào Suez. Hiện số lượng tàu đi qua kênh đào Suez cũng giảm 42% so với năm 2023. Cũng theo ông Trần Trọng Kim, hiện một số tập đoàn vận tải lớn trên thế giới đã dừng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ và kênh đào Suez.

Đơn cử, Tập đoàn dầu mỏ BP đã tạm dừng tất cả các chuyến vận chuyển qua Biển Đỏ; hãng vận tải container Evergreen đã quyết định tạm thời ngừng nhận hàng hóa đi Israel và chỉ thị cho các tàu container của họ tạm dừng di chuyển qua Biển Đỏ cho đến khi có thông báo mới; hãng tàu CMA của Pháp cũng đã cho tất cả các tàu rời khỏi khu vực xung đột cho đến khi có thông báo mới; Hapag-Lloyd, công ty kiểm soát khoảng 7% đội tàu container toàn cầu, cũng đã tạm dừng tất cả tàu qua Biển Đỏ... Tình trạng này đã làm tăng thêm chi phí vận tải biển và gây ra sự chậm trễ giao hàng.

Bà Lê Thị Thanh Minh, Trưởng phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết thêm, chi phí vận chuyển hàng hải tăng rất cao từ đầu năm đến nay. Cụ thể, chi phí vận chuyển đến Mỹ đã tăng từ 1.850 USD lên 2.950 USD/ container đối với cảng biển khu vực bờ Tây và tăng từ hơn 2.000 USD lên gần 5.000 USD/container đối với cảng biển khu vực bờ Đông. Còn với thị trường châu Âu, chi phí vận chuyển ghi nhận đã tăng từ 1.230 USD lên 4.450 USD/container.

Bên cạnh đó, do phải thay đổi hải trình đi qua mũi Hảo Vọng của châu Phi thay vì qua kênh đào Suez nên thời gian vận chuyển cũng bị kéo dài thêm trung bình 10-15 ngày. Điều này khiến cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung bị động và phát sinh thêm nhiều khoản phụ phí từ các hãng tàu đưa ra. Có trường hợp doanh nghiệp đã giao hàng lên tàu 2 tuần mới nhận được đề nghị tăng phụ phí, gây bức xúc và ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Chưa kể, từ việc tăng thời gian vận chuyển cũng kéo theo tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng, ảnh hưởng đáng kể đến thời gian giao, nhận hàng của nhiều doanh nghiệp trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Tìm thị trường mới

Trước thực tế trên, ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thông tin, doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu tác động tiêu cực kép: giá cước vận tải tăng và đồng USD cũng tăng giá. Trong khi đó, ngành dệt may phải nhập đến 60% nguyên liệu sản xuất. Do vậy, không chỉ doanh nghiệp dệt may mà nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác đang chủ động điều chỉnh, cân nhắc nhận đơn hàng theo hướng ưu tiên những đơn hàng của các thị trường gần, dễ giao nhận như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...; hạn chế nhận hoặc tạm thời “đóng băng” các đơn hàng ở những thị trường xa như Mỹ, châu Âu, Trung Đông… “Hiện công ty đã tạm dừng những đơn hàng xuất khẩu đến thị trường Trung Đông và chuyển hướng sang những thị trường thuận lợi hơn là Trung Quốc, Nhật Bản”, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C, chia sẻ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng cho biết, doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đang tăng cường khai thác xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đồng thời tìm hiểu để mở rộng kết nối xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Đây là 2 thị trường rất tiềm năng với quy mô dân số gần 3 tỷ người và nhu cầu tiêu dùng rất đa dạng từ phân khúc trung bình đến cao cấp. Tuy nhiên, cùng với việc thay đổi thị trường, các tham tán thương mại khuyến cáo doanh nghiệp cần cẩn trọng trong giao thương. Hiện đang có tình trạng lợi dụng chiến sự, một số đối tượng lừa đảo tự xưng là người của các tổ chức nhân đạo, từ thiện đang cần nhập khẩu lượng lớn hàng hóa nhằm mục đích cứu trợ, tái thiết nên đưa ra các đơn hàng lớn, giá tốt để lừa đảo và chiếm đoạt hàng. “Khi có các đơn hàng kiểu như vậy, đề nghị doanh nghiệp thận trọng và xác minh kỹ qua kênh đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại khu vực.

Đồng thời, khi giao dịch với doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp cần ký hợp đồng thanh toán theo hình thức thư tín dụng LC, có đặt cọc, nếu khách hàng trả trước thì càng tốt; không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến”, một tham tán thương mại cảnh báo.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng