Sau nhiều năm hoạt động tại Trung Quốc đại lục, các nhà lắp ráp điện tử như Foxconn, Quanta, Wistron,… đang tìm đến thị trường mới.

Làn sóng này có thể sẽ đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư vào ngành bán dẫn.

Áp lực phải rời đi

Với quy mô khổng lồ của mình, TSMC đối mặt với bài toán nhân lực rất nan giải, do dân số Đài Loan (Trung Quốc) bước vào thời kỳ già hóa. Bên cạnh đó, tiền lương không dư dả, giá bất động sản tăng cao và các áp lực khác đã đẩy tỷ lệ sinh của Đài Loan xuống mức thấp nhất trong những thập niên gần đây.

Chỉ riêng TSMC hiện đã tuyển mới 6.000 nhân sự mỗi năm. Đặc biệt, trong năm 2022 TSMC tuyển mới hơn 8.000 nhân sự, bao gồm kỹ sư nước ngoài. Công ty chip Đài Loan lên kế hoạch đầu tư nhà máy tại những nước dồi dào lao động.

Những thay đổi lớn về địa chính trị, tác động bởi căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung, khiến môi trường đầu tư tại Trung Quốc đại lục không còn an toàn như trước. Những đạo luật mới về công nghệ có xu hướng bài trừ, trả đũa nhau giữa Washington và Bắc Kinh, đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó.

Nhưng cuộc hướng ngoại của TSMC không dễ dàng, do Mỹ không đủ nhân lực lành nghề, phải “nhập khẩu” 500 người từ Đài Loan theo thị thực E-2. Điều này lại mâu thuẫn với Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ.

Liên đoàn Union Arizona Pipe Trades 469 (U.A Local 469), đại diện cho hơn 4.000 công nhân, thợ lành nghề và nhân sự kỹ thuật ở Mỹ, đã gửi đơn khiếu nại, kêu gọi các nhà lập pháp từ chối cấp thị thực này.

Đài Loan sở hữu mạng lưới cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn đồ sộ, gồm hàng trăm doanh nghiệp lớn, hoạt động xoay quanh lĩnh vực sản xuất chip, kể cả việc thiết kế, xây dựng nhà xưởng, trụ sở làm việc cho đến cung cấp vật tư liên quan để tạo ra con chip.

Những khách hàng lớn nhất trong hệ sinh thái này là TSMC, Foxconn, Delta Electronics, Wistron, UMC và ASE Technology. Những tập đoàn này đang có xu hướng mở rộng đầu tư ra Đông Nam Á, Nhật Bản, thậm chí tại châu Âu. TSMC đã xây dựng nhà máy thứ 2 ở Nhật Bản, và 1 nhà máy trị giá 40 tỷ USD tại Mỹ. Tính đến cuối năm 2023, Foxconn đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Khi khách hàng ra đi, các nhà cung ứng phải đi theo, như vậy kéo theo hệ sinh thái hỗ trợ công nghiệp bán dẫn từ Đài Loan “đổ bộ” xuống Đông Nam Á. Acter, một công ty chuyên chuyên xây dựng các nhà máy điện tử và phòng “siêu sạch” cho các công ty công nghệ, đang ráo riết tìm bến đỗ mới ở Thái Lan, Malaysia hoặc Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn không chỉ của Acter, mà của nhiều tập đoàn khác.

Thứ nhất, theo đánh giá của giới doanh nghiệp Đài Loan, Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ lắp ráp điện tử. Tờ Sputnik nhận định: ngành bán dẫn Việt Nam sẽ bứt phá từ năm 2024. CNBC, kênh thông tin đầu tư tài chính và du lịch lớn nhất tại Mỹ cũng cho rằng: Việt Nam là đối thủ thu hút đầu tư “đáng gờm” so với Ấn Độ, và là điểm đến lý tưởng chuỗi cung ứng mới.

Thứ hai, Việt Nam có kinh nghiệm về sản xuất mặt hàng điện tử và một hệ thống chính sách nhất quán. Việt Nam cũng có lợi thế “Nearshoring” và “Friendshoring”, trung tâm sản xuất gần chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới; có mối quan hệ thân thiện với các cường quốc.

Thứ ba, Việt Nam có những công ty rất năng động trong lĩnh vực chip như FPT, Viettel,… đảm đương nhiệm vụ thiết kế chip, công đoạn chiếm 60% giá trị trong chuỗi cung ứng. Dù mới ra nhập thị trường chip bán dẫn chưa lâu, nhưng FPT Semiconductor đã liên tục nhận được đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ.

Thứ tư, dù ngành bán dẫn Việt Nam chưa phát triển mạnh, nhưng chúng ta có nhiều lợi thế mang tính nền tảng. Việt Nam là một trong những thị trường ghi nhận mức tăng trưởng rất nhanh vốn đầu tư từ Đài Loan - đây như liều thuốc thử để thuyết phục những doanh nghiệp khác. Ngoài ra, nguồn khoáng sản đất hiếm dồi dào, nhân lực đa dạng là cơ sở xây dựng nền công nghiệp bán dẫn có tầm nhìn nhiều thập kỷ.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp