Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Lào trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên cơ sở của mối quan hệ thương mại tích cực giữa hai nước.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt 276,7 triệu USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 93,7 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 183 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm, xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bị... vẫn là các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào. Ở chiều ngược lại, Việt Nam tiếp tục nhập cao su, gỗ, quặng và khoáng sản từ Lào.

Ước 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 417,8 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào ước đạt 148,3 triệu USD, tăng 16%; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào ước đạt 270 triệu USD, giảm 9,5%.

Về đầu tư, hiện có 245 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD. Năm 2023, vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào là 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022. Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Doanh nghiệp Lào được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Nhận định đánh giá về dư địa, cũng như tiềm năng mở rộng không gian hợp tác giữa hai nước Việt - Lào, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên cơ sở của mối quan hệ thương mại tích cực giữa hai nước.

Trong đó, các mặt hàng mà Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Lào bao gồm: Hàng tiêu dùng và hàng hóa thông thường; các sản phẩm như thực phẩm, đồ dùng cá nhân, đồ gia dụng; hàng công nghiệp và xây dựng như vật liệu xây dựng... Ngoài ra, máy móc và thiết bị công nghiệp cũng có thể là các sản phẩm mà Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Lào để hỗ trợ phát triển hạ tầng và công nghiệp của Lào. Bên cạnh đó, nông sản và thực phẩm chế biến; các dịch vụ như du lịch, giáo dục và tư vấn cũng có thể trở thành lĩnh vực mở rộng xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Lào gồm: Cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; phân bón các loại; ngô; hàng rau quả; kim loại thường khác.

Thời gian vừa qua, để thúc đẩy thương mại Việt Nam - Lào, Bộ Công Thương đã hoàn thiện các văn bản pháp lý cho phát triển thương mại gồm: 2 khuôn khổ pháp lý song phương về thương mại quan trọng là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào; Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký năm 2015, có hiệu lực đến hết năm 2018, gia hạn đến hết năm 2024. Hiện, 2 bên tiếp tục đàm phán để sửa đổi, bổ sung Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào.

Đặc biệt, ngày 6/1/2024 vừa qua, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào, được sự ủy quyền của Chính phủ hai bên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa hai nước. Đây là cơ hội để hai bên khẳng định vai trò là cầu nối với các nước ASEAN và khu vực; phát huy tiềm năng và tận dụng lợi thế, thế mạnh của các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào trong hành lang kinh tế Đông Tây; góp phần nâng cao đời sống và tạo công ăn việc làm cho cư dân hai bên biên giới; tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, ổn định tình hình an ninh, trật tự và phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới Việt - Lào.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt sau chuyến thăm của Thủ tướng Lào tới Việt Nam, Bộ Công Thương cho rằng, hai nước Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam - Lào cùng là thành viên của ASEAN, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác và tạo ra một môi trường ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên; dư địa hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng còn rất lớn... Năm 2024, Việt Nam - Lào đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước từ 10-15% so với năm 2023. Do vậy, để phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Lào, hai bên cần duy trì và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác; tăng cường trao đổi thông tin và kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại Việt Nam - Lào.

Bộ Công Thương khẳng định, Bộ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam tại Lào. Cùng với các địa phương có chung đường biên giới với Lào, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đảm bảo cho hoạt động thương mại và thương mại biên giới giữa hai nước được diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng thương mại giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Nguồn: Báo Công Thương