"Không chỉ giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất cho rằng điện mặt trời mái nhà đang là giải pháp hữu hiệu cho mô hình sản xuất. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp còn phân vân chưa dám đầu tư mô hình này", đây là chia sẻ của ông Lương Duy Linh – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Công nghệ VINCI với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Thưa ông, được biết rằng nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị áp thuế từ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong thời gian tới, vậy ông đánh giá như thế nào về xu hướng chuyển dịch năng lượng của doanh nghiệp trong năm 2024?

Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất mới của khu vực và trên thế giới. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng cả về quy mô và cơ cấu thị trường xuất khẩu, các mặt hàng xuất đi đã góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó EU là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu và là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao, có kim ngạch xuất khẩu lớn sang EU là điện thoại, hàng dệt may, giày dép, sắt thép, đồ gỗ và nông thủy sản...

Như chúng ta đã biết, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu, là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững. Cơ chế này sẽ tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp. CBAM thực hiện áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam sẽ bị áp dụng thuế từ Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: Thép, nhôm, xi măng, phân bón. Như vậy trong thời gian tới quy định này vừa là thách thức, cũng vừa là cơ hội đối với Việt Nam. Thách thức Bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam thì quy định từ CBAM sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của Việt Nam.

Nếu các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nêu trên không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất ngay từ bây giờ thì sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường. Và đây cũng là cơ hội, động lực để doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sang năng lượng xanh, bởi việc chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ thật sự cần thiết nhằm góp phần hướng tới tiêu chuẩn phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cần sử dụng năng lượng xanh còn phân vân chưa dám đầu tư, theo ông nguyên nhân chính là do đâu?

Theo tôi việc các doanh nghiệp còn phân vân chưa dám đầu tư vì một vài nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, các quy định hướng dẫn của Nhà nước trong việc đầu tư điện năng lượng mặt trời chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, đang có sự hiểu và áp dụng khác nhau giữa các địa phương, chưa có chính sách mua lại phần điện dư của hệ thống làm giảm hiệu quả của dự án.

Thứ hai, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng năng lượng sạch nhưng thường tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của mình. Trong khi, lĩnh vực điện mặt trời có những đặc thù riêng, cần có tiêu chuẩn áp dụng trong việc thiết kế, thi công, vận hành hệ thống nhằm mang lại hiệu quả tối đa trong quá trình sử dụng. Nếu có cơ chế khuyến khích thúc đẩy việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sử dụng điện, đơn vị tư vấn, Nhà đầu tư, đơn vị vận hành chuyên nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch trong quá trình sản xuất.

Là đơn vị cung cấp giải pháp thi công, lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, ông nhận thấy, khu công nghiệp, khu chế xuất đang gặp những khó khăn nào khi đầu tư mô hình này?

Về phương diện pháp lý, Điện mặt trời áp mái là lĩnh vực mới phát triển trong khoảng thời gian gần đây, các quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn thực hiện đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Do đó các doanh nghiệp có nhu cầu lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiểu đúng, hiểu đủ các quy định của pháp luật và việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ xin ý kiến của các cơ quan liên quan để đảm bảo các yêu cầu an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ làm cơ sở cho việc thi công lắp đặt và vận hành hệ thống.

Về sản lượng điện dư của hệ thống, các doanh nghiệp, tùy thuộc vào lĩnh vực sản xuất khác nhau nên nhu cầu sử dụng điện cũng khác nhau theo các giờ trong ngày, số ngày làm việc trong năm cũng khác nhau, đặc biệt vào buổi trưa nhu cầu sử dụng điện thường giảm. Khi đó, sẽ có lượng điện dư do hệ thống điện mặt trời phát ra nhưng chưa được sử dụng hết, việc nhà nước chưa có chính sách cho mua bán lượng điện dư này làm giảm hiệu quả đầu tư chung của dự án.

Về nguồn vốn để triển khai, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng cần lượng vốn tương đối lớn và thời gian thu hồi vốn dài nhưng chưa có chính sách khuyến khích cho vay vốn để đầu tư, trong khi nguồn lực của doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.

Thưa ông, vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị những kế hoạch nào cho lộ trình chuyển dịch năng lượng?

Nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời trong sản xuất của các doanh nghiệp là rất lớn, với tổng nhu cầu được dự báo lớn hơn tỷ trọng được phân bổ về từng địa phương rất nhiều, do đó các doanh nghiệp cần xem xét thời điểm để quyết định việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ nhu cầu sản xuất của mình, tránh trường hợp bị hết room theo quy định.

Đối với các khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện năng lượng tái tạo, để có cái nhìn tổng quan trong việc lựa chọn mô hình tự đầu tư hay hợp tác với nhà đầu tư thì nên trao đổi với đơn vị tư vấn và thi công lắp đặt. Đơn vị này hướng tới việc tư vấn và triển khai hệ thống điện mặt trời nên sẽ cung cấp cho khách hàng cái nhìn tổng quan về ưu nhược điểm, lợi ích thu được trong việc tự đầu tư hoặc hợp tác với các nhà đầu tư làm cơ sở ra quyết định.
Mặt khác, mỗi khách hàng đều có nhu cầu và đặc trưng riêng, nhà đầu tư cũng vậy họ cũng có khẩu vị riêng. Do đó, đơn vị tư vấn sẽ là cầu nối để giúp khách hàng hiểu rõ và là cầu nối giữa khách hàng với nhà đầu tư, góp phần hài hòa lợi ích và giảm thiểu các rủi ro trong các quyết định của khách hàng khi quyết định lựa chọn Nhà đầu tư để hợp tác triển khai hệ thống điện mặt trời.

Bên cạnh đó danh nghiệp cũng cần thực sự quan tâm đến khả năng chịu lực của nhà xưởng, công trình; các yếu tố về pháp lý về hoạt động xây dựng, PCCC, môi trường, điện lực, đầu tư để đảm bảo khả năng vận hành đúng quy định của pháp luật trong suốt vòng đời của hệ thống.

Để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt trong khu công nghiệp, ông có những ý kiến nào cần đề xuất?

Tôi cho rằng cần sớm có cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, hoàn thiện các quy định đầy đủ, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển, đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái trên các nhà máy và khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm khu công nghiệp….

Đồng thời để tăng hiệu quả đầu tư cho dự án cũng như thuận tiện cho việc quản lý, thì nên có chính sách mua bán điện dư thừa và ban hành quy định cụ thể cho doanh nghiệp được mua bán về tỷ lệ lượng điện dư này, hoặc bán sản lượng điện dư từ hệ thống cho EVN hoặc cá nhân tổ chức khác.

Bên cạnh đó, cần xem xét ban hành cơ chế hợp tác đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời giữa doanh nghiệp sử dụng điện với các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển sản xuất xanh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn từ các tổ chức tài chính để đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Ngoài ra chúng ta cần cân nhắc một tỷ lệ hợp lý giữa công suất của hệ thống điện mặt trời và công suất của hệ thống lưu trữ nhằm giảm bớt sự ảnh hưởng lên lưới điện do tính bất ổn của năng lượng mặt trời…
Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp